Từ ngày 19 đến 23/6, Lễ hội tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Enjoy Danang Festival 2025 sẽ chính thức diễn ra tại Công viên Biển Đông và nhiều địa điểm nổi tiếng trên toàn thành phố, mang đến chuỗi sự kiện văn hóa – nghệ thuật – thể thao đặc sắc, góp phần quảng bá hình ảnh “Đà Nẵng – điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”.
Theo kế hoạch vừa được Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường ký ban hành, lễ hội năm nay có quy mô rộng khắp, trải dài từ tuyến biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa đến tuyến biển Nguyễn Tất Thành (biển Hà Khê, biển Xuân Thiều), hai bên bờ sông Hàn (đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo), cùng các điểm du lịch trọng yếu như Sun World Bà Nà Hills, Danang Downtown, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Danang Mikazuki…
Du khách check-in tại khu du lịch Bà Nà Hills
12 hoạt động chính, quy mô và ấn tượng
Điểm nhấn của Enjoy Danang Festival 2025 là Đại nhạc hội khai mạc diễn ra vào tối 20/6 tại Công viên Biển Đông với sự quy tụ của các ca sĩ nổi tiếng, ban nhóm nhạc, trình diễn ánh sáng nghệ thuật.
Không gian ẩm thực “Hương vị mùa hè Đà Nẵng” với 60 gian hàng đa dạng sẽ diễn ra từ 17h đến 22h30 mỗi ngày, từ 19 – 23/6, mang đến trải nghiệm phong phú cho du khách và người dân.
Các hoạt động nghệ thuật cộng đồng cũng được chú trọng, nổi bật với không gian sắp đặt nghệ thuật làng nghề biển Sơn Trà, chương trình trình diễn diều nghệ thuật – “sắc màu trên không”, và khu vực check-in “Đà Nẵng – sắc màu nghệ thuật biển”, hứa hẹn trở thành những điểm check-in hấp dẫn cho người dân và du khách.
Lễ hội còn tổ chức hàng loạt sự kiện sôi động như Flashmob bikini, Flashmob Zumba, đồng diễn Yoga, cùng nhiều môn thể thao biển.
Đặc biệt, chương trình trình diễn “cánh gió & cánh buồm” trên sông Hàn sẽ mang lại trải nghiệm thị giác độc đáo giữa trung tâm thành phố.
Các chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm đêm nhạc Việt Nam và quốc tế, chương trình Maia Summer Viber 2025, và tour trải nghiệm “Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – đa trải nghiệm” sẽ góp phần gia tăng sức hút cho sự kiện.
Khách du lịch trong nước và quốc tế trải nghiệm tại lễ hội ẩm thực Đà Nẵng
Động lực thu hút du khách và phát triển kinh tế địa phương
UBND TP Đà Nẵng cho biết, Enjoy Danang Festival 2025 được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời là công cụ xúc tiến quảng bá điểm đến hiệu quả trong mùa cao điểm hè.
Lễ hội không chỉ mang đến sự phong phú cho chuỗi sự kiện trong năm, mà còn góp phần định vị hình ảnh Đà Nẵng là “điểm đến của lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng là cơ hội để kích cầu du lịch tại chỗ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giới thiệu những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và đa dạng, từ đó gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách.
Lễ hội tạo không gian kết nối cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ giới thiệu sản phẩm đến công chúng và đối tác, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong năm 2025.
Lễ hội tận hưởng Đà Nẵng 2025 diễn ra từ ngày 19-23/6 với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao – du lịch hấp dẫn, đặc sắc
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng không ngừng nỗ lực xây dựng hình ảnh thành phố năng động, thân thiện, đáng sống và sáng tạo.
Chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Enjoy Danang Festival 2025 không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong chiến lược phát triển du lịch bền vững.
Việc tổ chức quy mô đồng thời tại nhiều địa điểm nổi tiếng như bãi biển, bờ sông, khu du lịch… giúp lan tỏa không khí lễ hội đến mọi ngóc ngách của thành phố, nâng cao trải nghiệm của du khách.
Enjoy Danang Festival 2025 hứa hẹn sẽ là điểm nhấn nổi bật của mùa hè 2025, một “bữa tiệc trải nghiệm” thực thụ, góp phần đưa Đà Nẵng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm du lịch – sự kiện – giải trí hàng đầu khu vực.
Từ tháng 5, du lịch hè bắt đầu nhộn nhịp. Các điểm du lịch, lữ hành giới thiệu nhiều chương trình sản phẩm, tour hè đa dạng để kích cầu, thu hút du khách.
Khách tham khảo tour tại “Summer Travel Fest – Bứt phá mùa hè 2025”. Ảnh: Kiều Mai
Xu hướng du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên được yêu thích
Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo mùa hè 2025 ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của các xu hướng: “du lịch xanh”, “trải nghiệm bền vững” và “cá nhân hóa hành trình”. Theo đó, có 71% du khách cho biết họ ưu tiên lựa chọn các điểm đến thân thiện với môi trường và có cam kết phát triển bền vững; 76% du khách mong muốn chuyến đi của mình góp phần tích cực cho cộng đồng địa phương. Các điểm đến sở hữu thiên nhiên trong lành, kết hợp trải nghiệm nghỉ dưỡng với khám phá văn hóa, ẩm thực bản địa ngày càng được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn.
Với xu hướng này, các địa phương như Ðà Lạt, Huế, Hội An, Ninh Bình, Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Hà Giang, Sapa và các tỉnh thành vùng ÐBSCL… thường được khách yêu thích lựa chọn. Theo các đơn vị lữ hành, các điểm đến này có đa đạng dịch vụ trải nghiệm, đủ mức giá, từ bình dân, tầm trung đến cao cấp, nên trở thành lựa chọn của nhiều nhóm khách.
Chị Lê Thị Diệp Thúy (quận Cái Răng) cho biết: “Ðà Lạt và Nha Trang là hành trình tour mà gia đình tôi lựa chọn trong dịp hè này. Với thời gian 3-4 ngày thì tôi cho rằng đây là hành trình phù hợp về điểm đến và giá cả”. Tương tự, chị Hồ Thị Thúy Ngân (quận Ninh Kiều) nói: “Tôi đang cân nhắc các điểm đến ở miền Bắc và miền Trung. Năm rồi tôi đã đi cung đường Tây Bắc nên năm nay sẽ lựa chọn các điểm đến Ninh Bình hay Bắc Ninh, hoặc các đảo ở miền Trung. Các điểm đến trong nước có cảnh sắc rất đẹp, nhưng giá vé máy bay dịp hè khá cao khiến tôi cân nhắc nhiều trước khi lựa chọn hành trình tour”.
Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, thông tin: “Những năm gần đây, du khách dành nhiều sự quan tâm đến các trải nghiệm gần gũi thiên nhiên, du lịch xanh và có trách nhiệm với môi trường. Nắm bắt xu hướng này, Vietravel có chương trình hè 2025 với thông điệp “Trải nghiệm xanh – Chạm hè chất”, diễn ra từ ngày 05/5 đến 31/7/2025 với đa dạng sản phẩm để du khách có thể lựa chọn. Trong đó nhiều tour mới gần gũi thiên nhiên, đậm bản sắc văn hóa bản địa”. Cụ thể, Vietravel chính thức khởi động chiến dịch “Giữ cánh sếu – Giữ triệu màu xanh” kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của loài sếu đầu đỏ, biểu tượng sinh thái quý hiếm gắn liền với hệ sinh thái ngập nước tại ÐBSCL. Không chỉ đưa ra chương trình tour trải nghiệm mới Cần Thơ – Ðồng Tháp mà Vietravel còn trích một phần lợi nhuận từ doanh thu bán tour trong dịp hè 2025 đề đồng hành cùng tỉnh Ðồng Tháp trong các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi sinh cảnh tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Với các tuyến điểm quốc tế thì các điểm đến ở khu vực Ðông Nam Á, Ðông Bắc Á, Dubai, châu Âu, châu Úc, Mỹ… thường được yêu thích. Ông Nguyễn Hồng Phát (quận Ninh Kiều) cho biết: “Xem lịch trình và cân nhắc tài chính thì gia đình tôi lựa chọn đi Singapore và Malaysia. Các công ty đang có chương trình kích cầu du lịch nên mức giá các tour tuyến trong nước và quốc tế đều có ưu đãi tốt”. Trong khi đó, ông Trần Văn Học (quận Ninh Kiều) nói: “Chúng tôi có hai nhóm đi 2 đợt. Ðợt đầu 10 người thì đăng ký đi Thái Lan, nhóm còn lại khoảng 6-7 người đi Singapore. Với tour nước ngoài, các đơn vị lữ hành cũng tổ chức rất tốt. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá cả hợp lý nên năm nào gia đình với bạn bè tôi cũng đi nhiều tour liền vào dịp hè”.
Nhiều chương trình ưu đãi và kích cầu du lịch hè
Ðể thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là du lịch nội địa, trong dịp hè, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng vừa chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, kích cầu, thu hút du khách hè năm 2025.
Cần Thơ cũng đã triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch. Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ, cho biết: “Hưởng ứng chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Sở VHTTDL Cần Thơ cũng đã xây dựng chương trình kích cầu du lịch năm 2025 và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Các khu, điểm du lịch đều xây dựng các chương trình trải nghiệm, sản phẩm, dịch vụ mới có mức giá ưu đãi; các cơ sở lưu trú đưa ra nhiều chương trình giảm giá từ 20-30% cho dịp hè; các đơn vị lữ hành chủ động xây dựng tour tuyến mới, các gói khuyến mại hè. Các đơn vị đều có sự chủ động và sáng tạo để làm mới, nâng chất các sản phẩm, dịch vụ và tôi kỳ vọng rằng với sự đồng lòng này sẽ tạo chuyển biến cho phát triển du lịch thành phố trong thời gian tới”.
Theo đó, chương trình kích cầu du lịch của TP Cần Thơ có khoảng 20 đơn vị đồng hành gồm các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, dịch vụ vận chuyển, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí… Cụ thể, Ido Travel Cần Thơ có 8 chương trình tour miền Tây khởi hành từ Cần Thơ có mức giảm từ 10-15%; Công ty TNHH Nhà hàng, Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ có mức giảm từ 1,5-9,5% cho 17 chương trình tour khám phá Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu…
Các điểm đến cũng có mức ưu đãi từ 20-30% các dịch vụ. Cụ thể, Làng du lịch Mỹ Khánh giảm 20-30% tùy theo dịch vụ, áp dụng cho đoàn từ 10 khách trở lên. Còn Cantho Eco Resort có chương trình giảm 15% cho các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại Eco Wonderland… Nhiều khách sạn, resort như Sheraton Cần Thơ, Vạn Phát, West, SOJO, Resort Cồn Khương, TTC… có mức giảm giá 18-30%.
Vừa qua, ngày 10 và 11/5, Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ và Vincom Hùng Vương cũng đã tổ chức chương trình “Summer Travel Fest – Bứt phá mùa hè 2025”. Tại sự kiện, ông Vưu Chấn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ đây hoạt động kích cầu du lịch, giới thiệu các sản phẩm tour du lịch mới đến đông đảo khách hàng; góp phần quảng bá du lịch Cần Thơ. Chương trình có sự tham gia của khoảng 10 doanh nghiệp lữ hành: Puolo Trip, Trendy Travel, Akoya Travel, HT Travel, Lửa Việt… tham gia giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, tour tuyến du lịch với các mức giá ưu đãi lên đến 50%.
Trong khi đó, từ ngày 14 đến 16/5, Vietravel Cần Thơ cũng tổ chức Ngày hội Mở mùa hè, đưa ra nhiều chương trình du lịch khuyến mại hấp dẫn. Nổi bật có chương trình “7 ngày rực rỡ” diễn ra từ ngày 14 đến hết 21/5 với các chùm tour ưu đãi với mức giảm giá lên đến 10 triệu đồng. Trong đó, tour Thái Lan có mức giá chỉ từ 3,79 triệu/đồng; “Ði nhóm đông – Chạm hè sống động” với mức giảm sâu cho đa dạng nhóm. Ngoài ra, Vietravel Cần Thơ cũng giới thiệu nhiều chương trình đặc sắc với ưu đãi dành cho nhóm đặc biệt: “Hành trình tri ân” được áp dụng trong các ngày kỷ niệm ý nghĩa: 27/7, 19/8 và 02/9 với các khách hàng là thương binh, công an nhân dân khi đăng ký tour sẽ có quà và nhận mức giá ưu đãi đặc biệt như lời cảm ơn sâu sắc từ Vietravel đến những người đã cống hiến vì cộng đồng và đất nước; chương trình “14 ngày tự hào Việt Nam” áp dụng từ 19/8 đến 02/9 dành cho những ai yêu thích trải nghiệm vẻ đẹp Việt, hay chương trình tháng 6 yêu thương dành cho các em nhỏ nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 01/6 và Ngày gia đình Việt Nam 28/6. Ví dụ như mỗi booking có trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng phụ huynh trong tour khám phá Vườn quốc gia Tràm Chim – Ðồng Tháp sẽ được miễn phí.
Có thể thấy, các chương trình tour và khuyến mãi hè năm nay rất đa dạng, du khách có thể dễ dàng lựa chọn theo sở thích, kinh tế và quỹ thời gian cá nhân. Dù các chương trình có sự ưu đãi giá nhưng chất lượng được cam kết giữ vững, có đơn vị còn điều chỉnh, bổ sung thêm trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới để thu hút khách và góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Ái Lam
Báo điện tử Cần Thơ – baocantho.com.vn – Đăng ngày 16/5/2025
Đến Quảng Ninh, du khách không chỉ nhớ về cảnh đẹp, mà còn chạm đến “chiều sâu văn hóa” khi được tham gia lễ hội dân gian, nghe một bài hát then bên bếp lửa, thưởng thức món ăn đặc sản địa phương… Và khi chiều sâu ấy được kể bằng ngôn ngữ của công nghệ, được thổi hồn qua những sản phẩm du lịch mới mẻ, tiện nghi và sáng tạo, thương hiệu du lịch Quảng Ninh mới thực sự bứt phá.
Khai thác chiều sâu văn hóa – Động lực phát triển du lịch bền vững
Quảng Ninh từ lâu đã được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, không chỉ sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mà còn là kho tàng văn hóa phong phú với nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm dấu ấn cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có trên 70 lễ hội được tổ chức thường niên, không chỉ là dịp để cộng đồng hướng về cội nguồn, bồi đắp giá trị tinh thần, mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Yên Tử là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn trong hành trình tham quan, khám phá Quảng Ninh. Ảnh: Minh Hà
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL, trong bối cảnh du lịch đang dịch chuyển mạnh mẽ từ “tham quan” sang “trải nghiệm”, từ “sản phẩm đơn lẻ” sang “hành trình tích hợp”, những điểm đến có chiều sâu văn hóa và khả năng làm mới mình không ngừng đang dần khẳng định lợi thế cạnh tranh bền vững. Quảng Ninh, vùng đất hội tụ cả vẻ đẹp tự nhiên và chiều sâu văn hóa, đang từng bước chuyển mình theo hướng đó: Không chỉ là nơi để ngắm Vịnh Hạ Long, hành hương Yên Tử hay khám phá các làng chài, mà là nơi để sống trọn vẹn trong những giá trị văn hóa, lịch sử và bản sắc được tái hiện sống động qua từng hành trình.
Quảng Ninh đã có những bước đi bài bản trong việc gắn kết việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế du lịch. Tiêu biểu là Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về việc thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, Làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (đều huyện Bình Liêu); Làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Đến nay các làng đã hoàn thiện quy hoạch chi tiết, chỉnh trang cảnh quan, tổ chức các hoạt động bảo tồn di sản, như trình diễn lễ hội, nghi thức truyền thống, trang phục dân tộc. Đặc biệt, Làng Sán Dìu tại Vân Đồn đã chính thức khai trương tháng 12/2024, trở thành điểm đến văn hóa thu hút du khách, cho thấy hiệu quả ban đầu trong việc biến di sản văn hóa phi vật thể thành nguồn lực phát triển du lịch bền vững.
Lễ hội Hoa sở Bình Liêu mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Ảnh: La Lành (CTV)
Không chỉ dừng lại ở quy hoạch không gian, các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được chú trọng bảo tồn, như: Nghi lễ Then của người Tày, Lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu, Hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, Nghi lễ cấp sắc của người Dao… Trong đó, 4 di sản đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Quảng Ninh và tạo nền tảng vững chắc để phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương. Việc bảo tồn di sản không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Quảng Ninh hiện có hơn 70 lễ hội được tổ chức thường niên. Từ các lễ hội lớn như Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội Đền Xã Tắc, Miếu Tiên Công, Đình Làng Trại… đến những lễ hội gắn với đời sống tín ngưỡng và phong tục truyền thống của các dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay…, tất cả tạo nên một không gian văn hóa sống động, nơi du khách được hòa mình vào những giá trị linh thiêng, sâu sắc và chân thực. Không chỉ là dịp để cộng đồng hướng về cội nguồn, những lễ hội văn hóa truyền thống này hiện được tổ chức bài bản, hấp dẫn, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Thay vì khai thác lễ hội một cách đơn lẻ, manh mún, nhiều lễ hội truyền thống đã được nâng tầm quy mô tổ chức, kết hợp trình diễn nghệ thuật, hội chợ sản phẩm OCOP, trưng bày không gian văn hóa dân tộc… tạo nên chuỗi trải nghiệm toàn diện cho du khách. Đồng thời các hoạt động lễ hội được quy hoạch hợp lý theo vùng miền, mùa vụ, tránh chồng chéo, góp phần gia tăng giá trị khai thác mà vẫn giữ được tính nguyên bản, linh thiêng vốn có.
“Trải nghiệm hiện đại” – Hướng đi cần thiết để bắt nhịp thị trường
Khách du lịch thế hệ mới, đặc biệt là Gen Z và khách quốc tế, yêu cầu cao hơn ở trải nghiệm: Tương tác công nghệ, tour thiết kế cá nhân hóa, không gian check-in sáng tạo, lưu trú xanh – thông minh – tiện nghi. Quảng Ninh những năm gần đây đã đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, hệ thống hạ tầng, du lịch thông minh, các lễ hội phong cách mới, như Carnaval, lễ hội ánh sáng, Net Zero tour ở Cô Tô… Đây chính là nền tảng để “trải nghiệm hiện đại” không chỉ là lời hứa, mà là năng lực thực thi.
Carnaval Hạ Long đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Ninh
Bên cạnh những lễ hội truyền thống các dân tộc đặc sắc, Quảng Ninh ngày càng khẳng định vị thế điểm đến năng động với nhiều lễ hội hiện đại, sáng tạo. Tiêu biểu là Carnaval Hạ Long – lễ hội đường phố rực rỡ sắc màu, đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch của tỉnh, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế. Các lễ hội mang dấu ấn thiên nhiên và di sản như Lễ hội Trà hoa vàng ở Ba Chẽ, Lễ hội Hoa Sở ở Bình Liêu đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa gắn với bảo tồn sinh thái.
Trong xu thế du lịch hiện đại, du khách không chỉ tìm kiếm điểm đến đẹp, tiện nghi, mà ngày càng có nhu cầu cao hơn về trải nghiệm văn hóa bản địa, khám phá chiều sâu lịch sử và giá trị cộng đồng. Mùa du lịch 2025, Quảng Ninh triển khai 170 sự kiện kích cầu du lịch, trong đó có 24 chương trình tầm cỡ quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh, cùng 146 hoạt động cấp địa phương, được thiết kế đa dạng để đáp ứng nhiều nhóm du khách. Bên cạnh trải nghiệm lễ hội văn hóa – lịch sử, các trải nghiệm nghệ thuật – giải trí hiện đại tạo sức hút mạnh mẽ, điển hình như đêm nhạc “Skywave Hạ Long” có sự góp mặt của ca sĩ Sơn Tùng M-TP; chương trình “Huyền thoại miền di sản” và Festival du thuyền trên Vịnh Hạ Long do Sun Group tổ chức. Du khách tìm kiếm các trải nghiệm du lịch sinh thái có thể tham gia hành trình mới khám phá Vịnh Bái Tử Long, phố đêm du thuyền, sự kiện văn hóa – nghệ thuật – môi trường quy mô quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam “Festival Art For Climate – Ha Long 2025” bao gồm chuỗi hoạt động như triển lãm tranh, nhiếp ảnh, đấu giá nghệ thuật gây quỹ môi trường, trình diễn thời trang tái chế, hội thảo khí hậu…
Các hoạt động được bố trí theo không gian và thời gian hợp lý: Tại Hạ Long là Carnaval và du lịch biển; tại Uông Bí là du lịch tâm linh và thiền định ở Yên Tử; tại Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ là chuỗi lễ hội gắn với đồng bào DTTS; tại Cô Tô, Vân Đồn là sản phẩm du lịch biển đảo gắn với lặn ngắm san hô, thưởng thức hải sản và khám phá ngư trường truyền thống. Việc kết nối những trải nghiệm này thành chuỗi du lịch liên hoàn sẽ tạo ra sự lan tỏa và hấp dẫn đặc biệt đối với du khách nội địa lẫn quốc tế.
Trong bối cảnh công nghệ số đang định hình lại hành vi du lịch toàn cầu, Quảng Ninh đang từng bước chuyển dịch mạnh mẽ từ phương thức xúc tiến truyền thống sang xúc tiến số đa nền tảng, linh hoạt và có tính cá nhân hóa cao. Theo Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 25/9/2024 của UBND tỉnh, xác định “lấy trải nghiệm, hài lòng của khách du lịch làm trung tâm” trong quá trình chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một số dự án đáng chú ý, như xây dựng Hệ thống du lịch thông minh, số hóa gần 200 điểm di tích với mã QR, ứng dụng vé điện tử, kiểm soát tự động tại Vịnh Hạ Long, xây dựng mô hình “Bảo tàng ảo” 3D tại Bảo tàng Quảng Ninh… Các doanh nghiệp dịch vụ tích cực áp dụng thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, công nghệ VR/AR và tích hợp AI chatbot trong chăm sóc khách hàng. Những giải pháp này đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa quản lý và mang đến trải nghiệm tiện ích, hiện đại cho du khách.
Du khách trải nghiệm Hệ thống du lịch thông minh được triển khai trên đảo Cô Tô
Đẩy mạnh xúc tiến số cũng là giải pháp truyền thông mà ngành Du lịch tỉnh đang nỗ lực tận dụng, không chỉ giúp giảm chi phí tiếp thị so với các hình thức quảng bá truyền thống, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là trong bối cảnh du lịch quốc tế đang dần phục hồi sau đại dịch. Trên mạng xã hội, Quảng Ninh đẩy mạnh chiến dịch truyền thông số theo hướng “mỗi điểm đến là một câu chuyện”, thực hiện livestream tại các lễ hội lớn, như Carnaval Hạ Long, Lễ hội Yên Tử, đêm hội OCOP…. thu hút hàng triệu lượt tương tác và chia sẻ. Đây cũng là bước chuyển cần thiết để du lịch Quảng Ninh bắt nhịp với xu hướng “cá nhân hóa trải nghiệm” và “du lịch thông minh” đang chi phối thị trường hiện nay.
Các điểm đến ở Quảng Ninh không chỉ thu hút trên mạng mà còn ấn tượng ngoài đời thực nhờ chính sách phát triển du lịch xanh và sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp và người dân, góp phần xây dựng hình ảnh một Quảng Ninh sạch đẹp, văn minh, thân thiện và có trách nhiệm với thiên nhiên.
Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng VH,DL&KHCN huyện Cô Tô, cho biết: Nét mới của du lịch Cô Tô năm 2025 là định hướng xây dựng “Điểm đến xanh – Trải nghiệm sạch – Du lịch văn minh”, trong đó chú trọng kết nối văn hóa biển đảo với các trải nghiệm hiện đại, tiện ích. Du khách không chỉ được tham quan bằng xe điện, đạp xe ven biển, check-in tại các không gian không rác thải nhựa, mà còn được hòa mình vào chuỗi hoạt động giải trí dưới nước tại các bãi biển nổi tiếng như Vàn Chảy, Hồng Vàn, Vụng Tròn, Ba Châu và Cô Tô Con. Huyện đã công bố Đề án thí điểm tổ chức 8 tuyến tham quan kết nối các đảo Cô Tô Con, Hòn Cá Chép, Hòn Sư Tử, Hòn Bảy Sao, Hòn Đông Nam, Thanh Lân và đảo Trần, những nơi không chỉ sở hữu cảnh quan nguyên sơ, mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển. Sự kết hợp hài hòa giữa di sản thiên nhiên, văn hóa bản địa và các dịch vụ trải nghiệm hiện đại chính là hướng đi giúp Cô Tô nâng tầm thương hiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn, bền vững trên bản đồ du lịch quốc gia.
Các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh luôn được đổi mới hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ để đem đến du khách những trải nghiệm hoàn hảo
Khai thác chiều sâu văn hóa gắn với trải nghiệm hiện đại chính là một trong những nỗ lực của Quảng Ninh trong xây dựng thương hiệu du lịch theo hướng “chất lượng – đậm đà bản sắc – bền vững” theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Du lịch không đơn thuần là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là phương tiện quan trọng để gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa, con người Quảng Ninh đến với thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế.
Hùng Sơn – Phương Loan
Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.vn – Đăng ngày 15/5/2025
Nhằm tiếp tục quảng bá cho danh hiệu Hà Giang, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á năm 2024” và những năm tiếp theo để đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ ngày 12-14/5, Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Giang tổ chức kết nối với Hiệp hội Du lịch các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch tại thành phố Đà Nẵng, Huế, Lâm Đồng, Đắk Lắk và một số đơn vị truyền thông đi khảo sát, trải nghiệm các địa điểm du lịch và Tour, tuyến du lịch của Hà Giang.
Đoàn khảo sát tham quan, tìm hiểu Dinh thự nhà Vương
Đoàn công tác gồm 60 người, trong đó có cả các công ty lũ hành đã đi khảo sát các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Giang như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Bảo tàng tỉnh Hà Giang, Điểm dừng chân Cổng trời, Núi đôi (Quản Bạ), Làng Văn hóa Du lịch thôn Nặm Đăm (Quản Bạ), sông Nho Quế, Dinh thự Nhà Vương, thăm danh thắng Quốc gia đèo Mã Phì Lèng, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, Nhà của Pao, Phố cổ Đồng Văn, Hmong Village Resort Quản Bạ…
Đoàn giao lưu lửa trại tại Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải
Thông qua chương trình để kết nối các nhà cung cấp dịch vụ du lịch giữa địa phương và các công ty lữ hành trong và ngoài nước đưa khách đến Hà Giang. Chương trình cũng nhằm hướng tới mục tiêu kết hợp công nghệ số và chuyển đổi xanh, giúp ngành du lịch Hà Giang phát triển hài hòa giữa kinh tế – xã hội – môi trường, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và du khách.
Lan Anh (Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hà Giang)
Báo Hà Giang – baohagiang.vn – Đăng ngày 14/5/2025
Tour du lịch khác biệt, độc, lạ mang lại nhiều lợi ích về kiến thức văn hóa, lịch sử và giải trí cho du khách tại vùng “đất thép, xứ trà” mang tên City tour. Ngay từ chuyến khởi hành đầu tiên, City tour đã để lại sự mến nhớ trong lòng du khách và thể hiện một tiềm năng phát triển tốt.
Ngay chuyến đầu, city tour đã thu hút trên 100 khách tham gia
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên: Tỉnh luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách. City tour là một trong những sản phẩm du lịch mới của năm 2025 được cơ quan quản lý nhà nước và du khách đánh giá cao.
City tour là sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Làng Háo Hức, xã Phúc Tân (TP. Phổ Yên). Hợp tác xã làm du lịch theo mô hình kết hợp giữa bảo tồn văn hóa, cảnh quan và giáo dục trải nghiệm. Làng Háo Hức tái hiện không gian làng quê trung du Bắc Bộ thế kỷ XIX, với hệ thống kiến trúc nhà tranh vách đất; nhà sàn gỗ truyền thống dành cho khách lưu trú.
Trong thời gian ở Làng, du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, chế biến ẩm thực; đi cắm trại, trekking, chèo SUP, đốt lửa trại. Từ năm 2024, Làng được UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận sản phẩm dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao. Đầu năm 2025, Làng được UBND tỉnh trao quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh.
Trở lại với sản phẩm du lịch mới của Làng Háo Hức, đó là những “hành trình” ý nghĩa đến các địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng; là các điểm bảo tồn, lưu giữ nét đẹp văn hóa của các dân tộc Việt Nam và trải nghiệm cuộc sống với nông dân vùng chè. City tour còn là một kết nối bền vững giữa các điểm đến. Điều đó được thể hiện bằng việc đại diện các điểm đến ký cam kết giữa các hoạt động đưa, đón phục vụ du khách.
Trước khi xuất phát, du khách được giới thiệu về tổng hành trình của tour du lịch
Ông Nguyễn Đình Khánh, một thành viên của City tour cho biết: Vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần, City tour phục vụ 2 tuyến khách trong thời gian ½ ngày: Tuyến “Hành trình đất thép” đưa du khách về thăm Khu liên hợp Gang Thép Thái Nguyên; Khu di tích lịch sử quốc gia Đại đội Thanh niên xung phong 915 và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tuyến “Bản sắc xứ trà” đưa du khách về với Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải; Không gian văn hóa trà Tân Cương và trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương.
Đặc biệt, tour “Thái Nguyên tươi đẹp” là hành trình trọn vẹn 1 ngày, du khách được đến tham quan, trải nghiệm đầy đủ các điểm đến của tuyến “Hành trình đất thép” và tuyến “Bản sắc xứ trà”. – ông Nguyễn Đình Khánh
Khi được hỏi về cảm nhận sau chuyến đi, bà Hoàng Thị Minh Huyền, du khách đến từ Hà Nội phấn chấn: City Tour – một hành trình ngắn nhưng mang lại cho tôi và các thành viên trong đoàn đầy ắp cảm xúc. Nếu có dịp trở lại Thái Nguyên, chúng tôi sẽ đặt City tour để trải nghiệm, khám phá. Có thể là hành trình ½ ngày hoặc 1 ngày trọn vẹn. Tùy thuộc vào thời gian lưu trú và nhu cầu trải nghiệm của các thành viên đoàn.
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 lần về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên
Toàn bộ các hành trình đều cùng xuất phát tại sân Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Xe lăn bánh cũng là lúc câu chuyện du lịch “đất thép – xứ trà” bắt đầu, với sự khám phá về quy trình sản xuất thép hiện đại tại Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, nơi 3 lần vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm; đến Khu di tích lịch sử quốc gia Đại đội Thanh niên xung phong 915 với câu chuyện đêm noel năm 1972 đầy máu lửa; thăm Làng nhà sàn Thái Hải – một điểm đến đạt OCOP 5 sao và là 1 trong 32 làng du lịch tốt nhất thế giới.
Rồi đến với Không gian văn hóa trà Tân Cương, nơi gói ghém câu chuyện lịch sử về chè, về trà Thái Nguyên và văn hóa, nghệ thuật thưởng trà của các miền đất nước và thế giới. Khi trở về với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, du khách được chiêm ngưỡng, khám phá hơn 40.000 hiện vật gốc về văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam…
Mỗi điểm đến trong City tuor là một câu chuyện hấp dẫn, cuốn du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nên cảm nhận hành trình như ngắn lại. Và trên hành trình ý nghĩa ấy, du khách còn được thưởng trà giữa một không gian xanh với không khí mát lành; được thưởng thức các món ăn truyền thống đặc trưng của vùng Việt Bắc như: Cơm lam, xôi trám, cá suối, bánh ngải, khau nhục với rượu men lá ngả nghiêng say mà cảm mến sâu sắc về “đất Thép, xứ Trà”.
Ngọc Chuẩn
Báo Thái Nguyên điện tử – baothainguyen.vn – Đăng ngày 15/5/2025
Thông tin từ Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, bảo tàng này sẽ miễn phí vé tham quan với người dân và du khách vào Ngày quốc tế bảo tàng (18/5).
Một góc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Tuấn
Dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng tổ chức một số hoạt động ý nghĩa nhằm kết nối, thu hút công chúng, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, dễ tiếp cận cho người dân và du khách, không chỉ trực tiếp tại các không gian trưng bày thực tế tại bảo tàng mà còn trên không gian mạng.
Trong đó, sẽ mở cửa triển lãm “Các tác phẩm đồ họa của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng” từ ngày 18/5 đến hết ngày 25/5; triển lãm giới thiệu hơn 40 tác phẩm đồ họa đặc sắc được tuyển chọn từ bộ sưu tập tranh đồ họa của bảo tàng.
Các tác phẩm với nhiều đề tài độc đáo, đa dạng về kỹ thuật như: Thủ ấn họa, in thạch bản, in đồng, in mica, in khắc gỗ, in lưới, in thạch cao, đồ họa bút sắt… được sáng tác bởi các họa sĩ Việt Nam và quốc tế như: Lê Bá Đảng, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Tường Vinh, Duy Ninh, Đinh Lực, Nguyễn Thị Hải Hòa, Sivilay Sapasert (Lào), Sone Khoupaserth (Lào), Marilyn Mase (Mỹ), Candy Nartonis (Mỹ)…
Đồng thời, ra mắt không gian triển lãm trực tuyến “DNFAM ONLINE GALLERY”. Không gian trưng bày sẽ có giao diện bắt mắt, ấn tượng và nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm đối với công chúng muốn tìm hiểu và tham quan bảo tàng từ xa.
Tác phẩm “Chùa Cầu Hội An” – In khắc gỗ (màu trên vải) của hoa sĩ Trần Nguyên Đán sáng tác năm 1995 sẽ được trưng bày tại triển lãm “Các tác phẩm đồ họa của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng”
Ngoài ra, bảo tàng cũng tổ chức hoạt động “Ngày hội sắc màu” vào sáng 18/5 với các hoạt động trải nghiệm gồm: Ký họa chân dung; viết thư pháp; vẽ tranh trên cát; vẽ tranh màu bột, màu sáp dầu; khắc và in tranh đồ họa.
Quốc Tuấn
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn – Đăng ngày 13/5/2025
Tỉnh Yên Bái đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch cả nước. Với tiềm năng phong phú, từ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đến những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa, Yên Bái đang nỗ lực xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch riêng, trong đó vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng.
Du khách nước ngoài trải nghiệm tại A Su Homestay, huyện Mù Cang Chải
Những năm gần đây, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch của Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền các địa phương, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã chú trọng đầu tư và tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, mạng xã hội…
Các chương trình quảng bá du lịch như “Yên Bái – nơi hội tụ sắc màu văn hóa”, “Yên Bái – Vùng đất của những di sản”… thu hút sự quan tâm đông đảo của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện, lễ hội độc đáo như Lễ hội Văn hóa – Du lịch Mường Lò và khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc”, Lễ hội đền Đông Cuông… đặc biệt sự trợ giúp đắc lực của các đơn vị báo chí, truyền thông địa phương trên các nền tảng số đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Yên Bái đến với công chúng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch tại Yên Bái chú trọng hơn vào hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ thông qua các kênh online như website, mạng xã hội. Nhiều khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú đã có những chiến dịch tiếp thị sáng tạo, thu hút sự chú ý của du khách. Bên cạnh đó, hoạt động liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trong việc quảng bá và xây dựng hình ảnh chung của du lịch Yên Bái cũng đang được chú trọng hơn.
Nhờ những nỗ lực này, hình ảnh du lịch Yên Bái đã dần được khắc họa rõ nét hơn trong tâm trí du khách. Yên Bái đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn và được biết đến nhiều hơn, đặc biệt ở phân khúc du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Anh Trần Minh Tuấn, một du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết: “Tôi biết đến vẻ đẹp của Mù Cang Chải qua mạng xã hội. Chính những hình ảnh và video ấn tượng đã khiến tôi quyết định đến đây”. Chị Amanda, một du khách quốc tế chia sẻ: “Tôi rất thích tìm hiểu về văn hóa và phong tục của các vùng đất mới. Những thông tin tìm thấy trên Internet đã giúp tôi có cái nhìn rõ nét hơn về Yên Bái và cảm thấy hào hứng hơn khi đến thăm”.
Truyền thông số trong quảng bá du lịch Yên Bái đã được chính quyền địa phương, các ngành chức năng, đặc biệt là những người làm dịch vụ du lịch khai thác hiệu quả. Yên Bái đã tích cực triển khai các hoạt động quảng bá trên các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube…
Các nội dung về du lịch, văn hóa, lễ hội của tỉnh được chia sẻ rộng rãi, thu hút sự quan tâm của du khách. Xây dựng website du lịch chính thức của tỉnh, cung cấp thông tin chi tiết về điểm đến, dịch vụ, sự kiện… đã giúp du khách dễ dàng lập kế hoạch và đặt dịch vụ.
Các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh cũng chú trọng hơn đến hoạt động marketing số như quảng cáo trên mạng, tiếp thị qua email, ứng dụng di động… nhằm tiếp cận và thu hút khách hàng hiệu quả hơn. Liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong việc quảng bá chung thương hiệu du lịch Yên Bái trên các kênh số cũng đã và đang được chú trọng.
Đặc biệt, Yên Bái từng bước áp dụng công nghệ số như ứng dụng di động, hướng dẫn du lịch ảo… nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch thông minh, tiện lợi hơn. Nhờ sự phát triển của truyền thông số, hình ảnh và thương hiệu du lịch Yên Bái đã được lan tỏa rộng rãi, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến với tỉnh.
Các ngành chức năng, các địa phương đã tận dụng mạng xã hội, hợp tác với các blogger du lịch và influencer (người ảnh hưởng) có thể giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu du lịch; tổ chức các sự kiện và lễ hội; đầu tư vào website và ứng dụng di động… Đây sẽ là một trong những yếu tố then chốt để Yên Bái tiếp tục khẳng định vị thế là một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Anh Giàng A Súa ở xã La Pán Tấn, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Chúng tôi thấy ngày càng nhiều du khách đến đây nhờ các chương trình quảng bá. Bản thân mỗi người làm dịch vụ du lịch như chúng tôi đều tận dụng tối đa các nền tảng số để quảng bá nét đẹp quê hương, đặc biệt mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Truyền thông du lịch đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Yên Bái. Để phát triển bền vững, các ngành chức năng, các địa phương cần có những chiến lược truyền thông hiệu quả, từ việc tạo ra nội dung chất lượng, tận dụng mạng xã hội đến tổ chức các sự kiện văn hóa. Khi truyền thông du lịch được đầu tư đúng mức, vị thế Yên Bái trên bản đồ du lịch Việt Nam ngày càng được khẳng định và thu hút du khách đến khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất này.
Influencer là thuật ngữ chỉ những người có tầm ảnh hưởng, tạo xu thế và có khả năng tác động đến suy nghĩ, hành vi và quyết định của một nhóm đối tượng hoặc một cộng đồng nhất định. Mỗi influencer sẽ có độ nổi tiếng, sức ảnh hưởng và khả năng tác động đến cộng đồng khác nhau. Influencer không nhất định là ngôi sao mà còn có thể là beauty blogger, hot instagram…
Thanh Ba
Báo Yên Bái online – baoyenbai.com.vn – Đăng ngày 14/5/2025
Với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú cùng những di tích lịch sử, văn hóa, Vĩnh Phúc ưu tiên các dự án đầu tư du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Vĩnh Phúc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch thu hút du khách
Tỉnh Vĩnh Phúc có vị trí địa lý nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa – văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ sông Hồng. Tỉnh Vĩnh Phúc có bề dày dòng chảy lịch sử với những di tích lịch sử – văn hóa và những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó Vĩnh Phúc cũng có cũng có những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Nhiều thế mạnh phát triển du lịch
Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng đủ 3 vùng cảnh quan là miền núi, trung du, đồng bằng, tạo nên một chỉnh thể “Núi bọc sông bao, sơn kỳ thuỷ tú”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Vĩnh Phúc tại thành phố Đà Nẵng diễn ra mới đây cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số hơn 1400 di tích lịch sử, văn hóa, với 533 di tích đã xếp hạng; trong đó 69 di tích cấp quốc gia (6 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia), 464 di tích cấp tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa đặc sắc đã được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, Lễ hội kéo Song Hương Canh, Lễ hội Rước nước đền ngự dội.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 làng nghề truyền thống với đa dạng, cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương… tạo sức hút rất lớn đối với du khách.
Hệ thống cáp treo Tây Thiên đi vào hoạt động đã mang lại sự thuận lợi cho du khách trong hành trình “Đến với Phật về với Mẫu”
Đáng chú ý, tỉnh Vĩnh Phúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tam Đảo là Khu Du lịch Quốc gia; Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới cũng vinh danh Thị trấn Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022”. Năm 2024, Thị trấn Tam Đảo tiếp tục được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” và hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt top 5 – sân golf được yêu thích nhất.
Bên cạnh việc phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, lễ hội, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đầu tư mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE và du lịch thể thao golf nhằm hướng tới du khách có mức thu nhập và chi tiêu cao.
Trong những năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf đã có bước đột phá, tạo nguồn thu lớn cho ngành du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…
Tạo bước đột phá, đưa du lịch “cất cánh”
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, Vĩnh Phúc đã định hình phát triển ngành du lịch theo 3 loại hình chính, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề; du lịch hội nghị, hội thảo nhằm khai thác tối đa và tận dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương.
Một góc Tam Đảo (ảnh do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp)
Đồng thời, tỉnh ban hành, tạo đột phá trong cơ chế chính sách; trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong phát triển du lịch còn doanh nghiệp và người dân là chủ thể chính, trực tiếp triển khai tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ, du lịch.
Trước những lợi thế sẵn có về du lịch tâm linh, du lịch văn hoá khám phá cảnh quan thiên, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khoẻ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu khẳng định: Ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang phát triển đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh, giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách là 15%/năm. Trong năm 2024, du lịch Vĩnh Phúc ước đón hơn 10,6 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt: 4.000 tỷ đồng.
Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch 6 khu du lịch dịch vụ trọng điểm và triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tính từ giai đoạn năm 2015 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư 2.577 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong các khu du lịch.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Đến nay tỉnh có tổng số 40 dự án của các nhà đầu tư và một số công trình đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 21.162 tỷ đồng; trong đó đã thực hiện 11.336 tỷ đồng, đạt 55% số vốn cam kết.
DIC Star Hotels & Resorts Vinh Phuc, khách sạn và khu nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao quốc tế đầu tiên tại thành phố Vĩnh Yên
Để đưa ngành du lịch phát triển hơn nữa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu nhìn nhận: Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên các dự án đầu tư du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, du lịch MICE, du lịch thể thao Golf, hình thành các khu du lịch trọng điểm có tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng.
“Chúng tôi trân trọng mời doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư vào du lịch Vĩnh Phúc. Tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư hợp tác kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng, luôn lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch Vĩnh Phúc”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu bày tỏ.
Năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu năm đón trên 12 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế trên 10.000 lượt; doanh thu du lịch ước đạt trên 4.500 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh xác định thúc đẩy ngành Du lịch trở thành trụ cột kinh tế quan trọng, bảo đảm tính bền vững và khả năng cạnh tranh. Từ đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, tập trung vào các sản phẩm đặc thù như: Du lịch thể thao (golf), hội nghị, hội thảo, văn hóa, sinh thái và du lịch mạo hiểm; tăng cường khai thác tiềm năng du lịch tại các vùng đặc trưng, đặc biệt là khu vực các xã dưới chân núi Tam Đảo và các khu di sản văn hóa của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điểm đến, hỗ trợ khách du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái số phục vụ khách hàng và doanh nghiệp bảo đảm tính bền vững; trong đó, lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch và phương án phát triển du lịch; định hướng phát triển xanh trong các mô hình kinh doanh du lịch. Tỉnh tiếp tục tăng cường xúc tiến và quảng bá du lịch, tổ chức các chiến dịch quảng bá tập trung vào thị trường trong nước và quốc tế tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực.
Nguyên Vũ
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn – Đăng ngày 14/5/2025
Khai thác tốt tiềm năng kinh tế đêm góp phần thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của du khách, làm “đòn bẩy” thu hút 11,5 triệu khách du lịch đến với Hạ Long (Quảng Ninh) trong năm 2025. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế đêm của thành phố vẫn chưa có sự bứt phá.
Tàu du lịch 4-5 sao đưa du khách tham quan ven bờ di sản, một sản phẩm góp phần định vị thương hiệu của TP Hạ Long
Theo đánh giá và thống kê của các tổ chức du lịch trên thế giới, du lịch di sản được coi là phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành Du lịch. Khách du lịch tham quan di sản thường tiêu dùng nhiều hơn 60% so với thông thường (khoảng 1.320 USD/chuyến, so với trung bình 820 USD/chuyến đối với các hình thức du lịch nói chung). Khách du lịch di sản cũng thực hiện nhiều lượt du lịch hơn so với trung bình các hình thức du lịch khác (3,6 chuyến/năm). Qua thống kê của UNESCO cho thấy, ở những nơi có di sản thế giới được công nhận đã thu hút du khách đến tham quan đông hơn, ở lại lâu hơn 2,5 lần so với nơi khác có đặc điểm tương đương. Vì vậy, ở những khu vực có di sản thế giới có lợi thế rất lớn để trở thành địa điểm phát triển mô hình kinh tế ban đêm.
TP Hạ Long được đánh giá có nhiều lợi thế nhất toàn tỉnh khi là địa phương có năng lực cạnh tranh lớn về du lịch di sản, có nhiều không gian để du khách tham quan, mua sắm và giải trí về đêm. Tận dụng những lợi thế trên, thời gian qua, TP Hạ Long có khá nhiều sản phẩm, dịch vụ đêm, gồm: Các hoạt động vui chơi giải trí tại Công viên đại dương – Hạ Long; Quảng trường 30/10; khu vui chơi quy mô lớn Sunworld Hạ Long; khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long; quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Hạ Long; các lễ hội đặc sắc khác như: Festival âm nhạc quốc tế Hạ Long, các show diễn, âm nhạc đường phố, Carnaval Hạ Long, liên hoan ẩm thực, các hội thi đầu bếp và bartender… Một số tàu du lịch 4-5 sao đưa du khách tham quan ven bờ di sản và TP Hạ Long qua Vòng quay mặt trời, cầu Bãi Cháy, núi Bài Thơ… đã giúp du khách được trải nghiệm hành trình du ngoạn cùng các con tàu sang trọng với không gian ẩm thực đặc sắc, những món ăn Á, Âu đa dạng hay hải sản đặc sắc tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm City tour bằng xe bus 2 tầng. Trên địa bàn thành phố còn có nhiều nơi tổ chức ca nhạc, vũ trường được cấp phép và một số khách sạn có kinh doanh dịch vụ vui chơi có thưởng, casino phục vụ người nước ngoài, như: Hoàng Gia, Mường Thanh, Wyndham. Dự kiến trong tháng 6/2025, Tập đoàn Tuần Châu đưa phố đêm ở hai bên cảng phà Tuần Châu đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế ban đêm tại TP Hạ Long mới chủ yếu diễn ra ở khung giờ tối, trong khoảng thời gian từ 18-24h, thậm chí nhiều hoạt động chỉ diễn ra đến 22h và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc, chất có cồn (karaoke, quán bar, vũ trường…) cũng chỉ hoạt động đến 24h theo quy định. Hoạt động kinh tế đêm muộn (từ 0-6h) trên địa bàn thành phố gần như rất ít, chủ yếu các dịch vụ vui chơi giải trí trong các khách sạn, trong tàu du lịch đêm trên Vịnh Hạ Long và các quán ăn khuya.
Nhiều năm qua, Carnaval Hạ Long cũng đã trở thành bữa tiệc âm nhạc nổi bật của thành phố
Anh Lucy Handley (du khách Anh) cho biết: Tôi đã quen với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí về đêm tại đất nước của mình. Do vậy, tôi rất kỳ vọng là bên cạnh việc khám phá những nét đặc sắc của Vịnh Hạ Long thì còn được khám phá những điều thú vị của thành phố này vào ban đêm. Nhưng thực sự là Hạ Long còn thiếu nhiều dịch vụ giải trí chất lượng cao về đêm để du khách nước ngoài sẵn sàng ở lại và chi tiền, như: Quán bar, các show diễn nghệ thuật, casino, các cuộc đua…
Việc chưa thực sự phát huy hết các hoạt động kinh tế đêm cũng được cho là yếu tố khiến doanh thu du lịch của TP Hạ Long chưa cao. Hiện doanh thu du lịch của thành phố chủ yếu đến từ các khoản thu tiền bán vé vào các điểm tham quan, tiền phòng nghỉ, khách sạn, các dịch vụ ăn uống, mua sắm và giải trí cùng một số dịch vụ phụ trợ khác.
Theo TS. Trần Thị Thu Hương (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam): Ngày nay, kinh tế ban đêm đã và vẫn đang được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới. Để thu hút khách du lịch cũng như kéo dài thời gian hoạt động của khách du lịch tới tận đêm, tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long cần nghiên cứu và mời gọi đầu tư từ các tập đoàn lớn trong phát triển các sản phẩm du lịch mới; chuẩn hóa tiêu chuẩn nhân lực du lịch cho các đối tượng tham gia kinh tế đêm; nghiên cứu, lựa chọn và quy hoạch một số khu vực, cụm điểm triển khai hoạt động kinh tế ban đêm nằm cách khu dân cư một khoảng cách, đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống về đêm của dân cư xung quanh. Đặc biệt, cần sớm thành lập một tổ chức quản trị đêm chuyên trách vì hoạt động kinh tế ban đêm luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra nhiều hoạt động tiêu cực, hành vi phạm tội, rối loạn an ninh trật tự gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Đây cũng là kinh nghiệm thành công ở các thành phố có hoạt động kinh tế ban đêm phát triển.
Hoàng Nga
Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.vn – Đăng ngày 14/5/2025
Mở đầu Tuần Du lịch Quảng Bình năm 2025 là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Quảng Bình – Đến là yêu” diễn ra vào tối ngày 23/5. Chương trình với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng, mang đến các tiết mục đặc sắc với âm thanh, ánh sáng sống động.
Tuần Du lịch Quảng Bình năm 2025 diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch hấp dẫn, độc đáo
Ngày 12/5, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Bình cho biết: Tuần Du lịch Quảng Bình năm 2025 diễn ra từ ngày 23 đến 30/5 với chuỗi hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao, du lịch đặc sắc diễn ra tại các khu du lịch, điểm tham quan và các khu vực trung tâm của tỉnh,
Tuần Du lịch Quảng Bình 2025 sẽ mang đến những trải nghiệm du lịch hấp dẫn, đa dạng, đặc sắc để chào đón du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm “Quảng Bình – điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt”.
Khai mạc Tuần Du lịch Quảng Bình năm 2025 là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Quảng Bình – Đến là yêu” diễn ra vào tối ngày 23/5.
Chương trình với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng, mang đến các tiết mục đặc sắc với ánh sáng, âm thanh sống động, hứa hẹn mang đến một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc cho du khách và người dân địa phương.
Vẻ đẹp tự nhiên ở làng Du lịch Tân Hoá (Minh Hoá, Quảng Bình)
Không thể thiếu trong Tuần Du lịch Quảng Bình là lễ hội ẩm thực, nơi các món ngon, đặc sản nổi tiếng của Quảng Bình được giới thiệu rộng rãi.
Lễ hội ẩm thực diễn ra từ 25-28/5 với hơn 100 gian hàng phục vụ các món ăn đặc trưng và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để thưởng thức những món ăn ngon, đồng thời hiểu hơn về văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương.
Trong khuôn khổ Tuần Du lịch Quảng Bình 2025 sẽ khai trương các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới. Những sự kiện này sẽ giúp du khách khám phá những địa điểm mới lạ, chưa được khám phá trước đây, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững.
Thuyền chở khách tham quan động Phong Nha
Cùng với những dải bờ biển dài thơ mộng cùng hệ thống hang động kỳ vĩ, Quảng Bình đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến lý tưởng cho các du khách yêu thích khám phá thiên nhiên, lịch sử và văn hóa.
Đặc biệt, với phương châm “Mỗi người dân Quảng Bình là một đại sứ du lịch” tạo nên một không gian du lịch thân thiện, mến khách.
Tuần Du lịch Quảng Bình 2025 cũng là dịp lý tưởng để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước kết nối, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch.
Các hoạt động như Business Matching, tọa đàm về phát triển du lịch bền vững ở địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác mới trong ngành du lịch.
Bên cạnh đó là các giải thể thao mở rộng không chỉ thu hút các vận động viên ở trên địa bàn tỉnh tham gia mà còn là dịp để du khách có cơ hội cùng tranh tài vào các hoạt động thể thao để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa khám phá du lịch ở Quảng Bình.
Dịp ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5 năm nay, các bảo tàng ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cửa miễn phí cũng như tổ chức nhiều hoạt động hữu ích cho người dân và du khách vào tham quan, thưởng lãm.
Hoạt động nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025) và hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5).
Ảnh: Minh hoạ
Trong dịp này, ngoài miễn phí vé vào cổng tham quan, các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt triển khai nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giao lưu nghệ thuật gắn kết giữa truyền thống và hiện đại; từ đó truyền cảm hứng, thắp sáng tình yêu quê hương đất nước, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.
Đơn cử như Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trưng bày chuyên đề Miền Nam nhớ mãi ơn Người; trưng bày lưu động chủ đề Tự hào thành phố mang tên Người – Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng góp mặt với chuyên đề Ba Son – Dòng thời gian khai mạc tại Tổng Công ty Ba Son vào ngày 18/5 và Bác Tôn – Hành trình từ 1945 đến 1975 phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh An Giang. Đồng thời, cuộc thi phim ngắn chủ đề Bảo tàng Tôn Đức Thắng – Diện mạo mới phối hợp cùng các trường đại học trên địa bàn thành phố, khuyến khích giới trẻ kể lại những câu chuyện về Bác Tôn và trải nghiệm tại bảo tàng này.
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật và các nhà sưu tập tư nhân thực hiện trưng bày chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời tổ chức triển lãm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng từ ngày 19/5 – 09/6.
Trong đó, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng chuyên đề Hành trình theo chân Bác qua sưu tập tem và bưu ảnh cùng với các trưng bày đang diễn ra như Những bức thư thời kháng chiến, Hành trình Huỳnh Phương Đông và triển lãm lưu động chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa – Biển đảo Việt Nam, Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại các trường học trên địa bàn.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức toạ đàm về các quy chuẩn trưng bày bảo tàng, trong khi Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu chuyên đề Hành trình 40 – Câu chuyện từ những hiện vật.
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng mang đến không gian nghệ thuật với trưng bày Kể chuyện sau ngày thống nhất do Phòng Hội hoạ Giải phóng thực hiện với những hoạt động mang chiều sâu lịch sử và giá trị giáo dục – văn hóa.
Bảo Thanh
Cổng TTĐT Bộ VHTTDL – bvhttdl.gov.vn – Đăng ngày 10/5/2025
Thời gian gần đây, Ninh Thuận đang tập trung phát triển du lịch kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời, loại hình du lịch này không chỉ đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân mà còn thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Giải đua xe đạp phong trào tỉnh Ninh Thuận mở rộng năm 2025 – Cúp Trungnam Group, giải được tổ chức trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Ẩm thực tỉnh Ninh Thuận năm 2025, cũng là dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5, vì vậy đã thu hút rất đông du khách tham gia và cổ vũ.
Các vận động viên tham gia Giải đua xe đạp phong trào tỉnh Ninh Thuận mở rộng năm 2025 – Cúp Trungnam Group. Ảnh: Văn Nỷ
Giải đua không chỉ là sân chơi cho những người đam mê thể thao mà còn là một sự kiện gắn kết cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch địa phương. Nhờ vào các giải thể thao này, nhiều dịch vụ du lịch như lưu trú, ẩm thực, vận chuyển tại tỉnh cũng tăng theo, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch tỉnh nhà tăng trưởng. Theo thống kê, chỉ trong dịp lễ toàn tỉnh đã đón hơn 215.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu du lịch ước đạt 320 tỷ đồng.
Tại Ninh Hải, Giải đua thuyền rồng truyền thống Đầm Nại là hoạt động được tổ chức hằng năm, giải đấu này không chỉ mang tính chất thể thao mà còn gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Nhằm khơi dậy niềm đam mê thể thao trong cộng đồng, đồng thời tạo ra cơ hội cho người dân và du khách trải nghiệm những hoạt động thú vị trên mặt nước, giải đua thuyền rồng là hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của các ngư dân vùng biển, góp phần làm phong phú thêm hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Giải đua thuyền rồng truyền thống Đầm Nại thu hút đông người dân và du khách đến xem, cổ vũ. Ảnh: H.Nguyệt
Chị Nguyễn Thị Lan, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Chúng tôi rất thích được tham gia cổ vũ các hoạt động thể thao ngoài trời như giải đua thuyền rồng truyền thống Đầm Nại. Vừa hấp dẫn, vừa hiểu thêm bản sắc văn hóa địa phương nơi đây, thời tiết và không khí Ninh Thuận trong lành, nên việc được xem những giải thể thao như đua thuyền hay lướt ván diều làm cho chuyến đi của chúng tôi thêm phần thú vị.
Một sự kiện thể thao nổi bật khác tại Ninh Thuận trong những năm gần đây là giải lướt ván diều, được tổ chức tại bãi biển Mỹ Hòa (Ninh Hải). Đây là môn thể thao mạo hiểm thu hút đông du khách trong nước và quốc tế. Không chỉ mang đến những màn trình diễn hấp dẫn, giải lướt ván diều còn là cơ hội để Ninh Thuận khẳng định mình là một điểm đến lý tưởng cho các vận động viên thể thao mặt nước. Hằng năm đã có rất nhiều vận động viên cũng như du khách quốc tế tham gia. Qua đó không chỉ góp phần để Ninh Thuận phát triển du lịch mà còn mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong ngành thể thao và du lịch.
Du khách trong nước và quốc tế tham gia lướt ván diều tại bãi biển Mỹ Hòa (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ
Ngày nay, nhu cầu tham gia các hoạt động thể thao của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, đặc biệt là các môn thể thao ngoài trời như chạy bộ, đua xe đạp và các môn thể thao nước. Điều này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn đến sức khỏe và tinh thần thể thao trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tổ chức các giải thể thao ngoài trời mở rộng, giúp quảng bá hình ảnh của Ninh Thuận như một điểm đến du lịch thể thao hấp dẫn. Đồng thời, các giải đấu này giúp nâng cao nhận thức của người dân về thể thao, phát triển cơ sở hạ tầng và tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Qua đó, góp phần tăng trưởng kinh tế du lịch thông qua thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: Việc tổ chức các giải thể thao không chỉ mang lại sức khỏe, niềm vui, giải trí cho người dân và du khách mà còn đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương. Qua đó góp phần thu hút và giữ chân du khách sau khi khám phá các địa điểm du lịch trên địa bàn. Thời gian tới, sở tiếp tục duy trì và phát triển các giải thể thao, hướng tới việc kết nối cộng đồng và xây dựng hình ảnh du lịch thể thao độc đáo của tỉnh.
Trong tương lai, xu hướng tổ chức các sự kiện thể thao kết hợp với du lịch dự báo sẽ ngày càng phát triển. Các hoạt động thể thao tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Ninh Thuận thành điểm đến du lịch thể thao nổi bật, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Việc kết hợp thể thao và du lịch chính là một hướng đi chiến lược giúp Ninh Thuận khai thác tiềm năng sẵn có, tạo dựng một thương hiệu du lịch thể thao độc đáo và bền vững.
Hồng Nguyệt
Báo Ninh Thuận online – baoninhthuan.com.vn – Đăng ngày 12/5/2025