(TITC) – Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, có vị trí thuận lợi khi giáp Hà Nội và nằm gần tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch, nhờ vào bề dày lịch sử văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Bắc Giang đã và đang đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết tour tuyến với các địa phương để định vị thương hiệu nhằm thu hút du khách trong nước, quốc tế.
Mở rộng không gian và sản phẩm du lịch
Bắc Giang hiện có 2.237 di tích, trong đó 759 di tích đã được xếp hạng các cấp, nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, địa điểm chiến thắng Xương Giang, hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế… Ngoài ra, Bắc Giang có 5 di sản được UNESCO công nhận và 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu, góp phần làm giàu bản sắc và thu hút du khách.

Bắc Giang đang định hướng phát triển các không gian du lịch
Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa phong phú, Bắc Giang còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp phù hợp phát triển du lịch sinh thái như: Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thác Ba Tia, suối Nước Vàng và Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Đặc biệt, tỉnh có vùng cây ăn quả bốn mùa trù phú tại Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên. Ngoài ra, Bắc Giang còn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản như: mỳ Chũ, bánh đa Kế, rượu Làng Vân, sâm Nam núi Dành..
Bắc Giang đang xây dựng phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch chủ lực, gồm: du lịch văn hóa – tâm linh; du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Cụ thể, Bắc Giang đã khai thác các giá trị văn hóa, gắn kết giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch và phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tập trung nguồn lực xây dựng một số điểm du lịch trọng điểm gắn với di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc. Bắc Giang đã hình thành một số sản phẩm du lịch chính, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương như du lịch văn hóa – tâm linh gắn với các hệ thống di tích đình, chùa (du lịch Tây Yên Tử – theo dấu chân Phật Hoàng; chùa Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh…); du lịch lịch sử – văn hóa gắn với các sự kiện, di tích lịch sử (khởi nghĩa Yên Thế, thành cổ Xương Giang, An toàn khu II Hiệp Hòa…); du lịch sinh thái gắn với các cảnh quan tự nhiên (Khe Rỗ, Tây Yên Tử, Đồng Cao, Xuân Lung – Thác Ngà, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần…); du lịch cộng đồng, trải nghiệm đời sống sinh hoạt cộng đồng các dân tộc (bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế; bản Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động).
Ngoài ra, một số huyện, thị xã, thành phố Bắc Giang đã chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để gắn kết các tour, tuyến nhằm khai thác có hiệu quả tại các khu, điểm du lịch, như huyện Tân Yên tăng cường liên kết phát triển du lịch theo hướng “Du lịch về nguồn” và hoạt động trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh với phương châm “Giáo dục gắn liền với thực tế”.
Bắc Giang cũng đang định hướng phát triển 5 không gian du lịch: không gian Tây Yên Tử, không gian Khởi nghĩa Yên Thế, không gian dịch vụ – giải trí tại TP. Bắc Giang và Việt Yên, không gian du lịch sinh thái nông nghiệp và không gian văn hóa Quan họ.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Thời gian tới, Bắc Giang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả và xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, giàu bản sắc. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đề nghị công nhận 01 khu du lịch cấp quốc gia; công nhận thêm 02 khu du lịch cấp tỉnh, 10 điểm du lịch; thu hút được 10 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12.000 lao động.
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng
Để hoàn thành được mục tiêu trên, Bắc Giang tiếp tục phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm như du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch golf,… ; tăng cường vận động, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế để thúc đẩy du lịch sự kiện và hội thảo. Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc cấp quốc gia, quốc tế gắn với công nghiệp giải trí để tạo “tiếng vang” thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.Tập trung đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm với môi trường đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các khu du lịch quốc gia, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.
Bên cạnh đó, Bắc Giang tăng cường xúc tiến, quảng bá, đổi mới cách thức, nội dung nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá du lịch; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào các hoạt động phục vụ phát triển du lịch. Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và quản lý tài nguyên du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Chuẩn bị các nguồn lực để mở rộng khai thác thị trường khách quốc tế.
Hồ Cấm Sơn
Song song đó, tăng cường liên kết để phát huy hiệu quả thế mạnh, lợi thế khác biệt, nổi trội của từng địa phương, từng vùng trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, giáp ranh và một số tỉnh, thành phố trong nước phát triển mạnh về du lịch. Tăng cường kết nối sản phẩm với thị trường, chú trọng gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm du lịch; tập trung đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số cho người lao động đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ năng nghiệp vụ du lịch quốc gia và thông lệ quốc tế. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng.
Trung tâm Thông tin du lịch