Đà Nẵng công bố hàng loạt sự kiện, chương trình kích cầu du lịch năm 2025

(TITC) – Chiều 04/3/2025, tại Đà Nẵng, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố Chương trình kích cầu du lịch đến Đà Nẵng năm 2025.

Với chủ đề “Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Đa trải nghiệm (Enjoy Da Nang 2025 – Diverse Experience)”, chương trình kích cầu du lịch sẽ giới thiệu các lễ hội, sự kiện đặc sắc, sản phẩm, dịch vụ mới và các gói dịch vụ ưu đãi đặc biệt hấp dẫn dành cho du khách trong nước và quốc tế trong năm 2025.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo tại Chương trình. Ảnh: TITC

Đà Nẵng cần phát huy vai trò là trung tâm tăng trưởng quan trọng của Du lịch Việt Nam

Phát biểu tại Chương trình, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2024, ngành Du lịch tiếp nối đà phục hồi mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 840 nghìn tỷ đồng. Du lịch được Chính phủ đánh giá là một điểm sáng trong bức tranh phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việt Nam được ghi nhận mức độ phục hồi du lịch tốt nhất trong khu vực ASEAN.

Năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, trong các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, ngành du lịch được giao đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa.

Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP áp dụng miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sĩ. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết này sẽ là tiền đề để tiếp tục đề xuất chính sách miễn thị thực có thời hạn đối với một số thị trường khách tiềm năng quan trọng của du lịch Việt Nam thời gian tới.

Toàn cảnh chương trình kích cầu du lịch Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Đa trải nghiệm. Ảnh: TITC

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua và là địa phương đầu tiên triển khai, hưởng ứng Kế hoạch của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chương trình kích cầu phát triển du lịch Việt Nam trong năm 2025 với chủ đề “Việt Nam – Đi để yêu”.

Chương trình thu hút đông đảo, đại biểu, doanh nghiệp tham dự. Ảnh: TITC

Về định hướng trong thời gian tới, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị ngành du lịch Đà Nẵng quan tâm một số vấn đề:

Một là, Đà Nẵng hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt, các dự án hạ tầng lớn đang được triển khai mạnh mẽ, cần tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tận dụng các điều kiện thuận lợi, phát triển du lịch của thành phố nhanh, bền vững, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đưa Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, đóng vai trò là một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của Du lịch Việt Nam.

Hai là, đổi mới phương thức, tăng cường xúc tiến quảng bá, tăng cường đầu tư nghiên cứu, cơ cấu lại thị trường theo hướng đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Đà Nẵng có thế mạnh như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch hội nghị – hội thảo – sự kiện, du lịch golf, du lịch ẩm thực…, tổ chức các hoạt động, sự kiện, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường du lịch nguồn (tăng tần suất, tăng tải các chuyến bay hiện có, các chuyến bay thuê bao).

Ba là, tích cực hưởng ứng, tham gia có hiệu quả Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 do Bộ VHTTDL phát động: Xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu gắn với sản phẩm du lịch đặc sắc và các sự kiện văn hóa, lễ hội tại địa phương, có sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn; có cơ chế chính sách gia tăng giá trị sản phẩm, ưu đãi về giá cả, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch thông qua các chương trình du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng; tăng cường truyền thông, quảng bá, tổ chức các hoạt động, sự kiện góp phần thu hút khách du lịch; hợp tác liên kết các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ tạo ra các gói kích cầu hấp dẫn dành cho khách du lịch, tổ chức khảo sát điểm đến, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch; đảm bảo an ninh an toàn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch.

Bốn là, đăng ký chủ trì tổ chức, tham gia các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia năm 2025, phù hợp với định hướng phát triển du lịch TP. Đà Nẵng như tổ chức tham gia các hội chợ du lịch quốc tế về du lịch MICE, du lịch tàu biển, cưới hỏi, golf; các chương trình giới thiệu điểm đến và kết nối doanh nghiệp ở nước ngoài…

Năm là, thực hiện liên kết toàn diện, phân công trách nhiệm rõ ràng, có hiệu quả, theo định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, hình thành vùng động lực tăng trưởng miền Trung, thúc đẩy phát triển du lịch; Tăng cường quan hệ hợp tác công – tư theo cơ chế thị trường, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; bảo đảm huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tư nhân cho phát triển du lịch.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng phát biểu tại chương trình. Ảnh: TITC

Hàng loạt chương trình kích cầu hấp dẫn chờ đợi du khách trải nghiệm

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm nay gồm hai chương trình lớn đặc sắc: “Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Đa trải nghiệm” nhấn mạnh vào sự đổi mới, giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng với 3 chiến dịch và “Tôi yêu Đà Nẵng – I love Da Nang” thu hút khách du lịch quay trở lại Đà Nẵng.

Xuyên suốt từ tháng 3 đến tháng 12/2025, Đà Nẵng đẩy mạnh quảng bá đến các thị trường và áp dụng một số chính sách kích cầu du khách tham gia Chương trình “Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Đa trải nghiệm”. Đặc biệt, cao điểm là vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố, áp dụng từ 15/3-15/4; mừng Quốc khánh 02/9, áp dụng từ ngày 30/8 – 31/10 và dịp đón Giáng sinh – Chào năm mới 2026.

Khi đến với Đà Nẵng, khách du lịch sẽ trải nghiệm các lễ hội, sự kiện lớn được tổ chức trong năm như Lễ hội Quán Thế Âm, Chuỗi sự kiện chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, Lễ hội Đà Nẵng Food Tour, Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng DIFF 2025, Lễ hội Vietnam – ASEAN, Lễ hội Việt Nam – Nhật Bản, Lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc,… Cùng với đó là được được miễn phí vé tham quan đối với một số khu, điểm du lịch (Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Khu danh thắng di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn) vào các ngày 29/3/2025, 02/9/2025 và 01/01/2026; được ưu đãi giảm giá khi đến một số khu du lịch của các doanh nghiệp tham gia chương trình và hàng nghìn quà tặng, chính sách riêng dành cho khách du lịch MICE và du lịch cưới trong năm 2025,…

Chương trình “Tôi yêu Đà Nẵng – I love Da Nang” áp dụng cho khách du lịch quốc tế đã từng đến Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến nay và quay trở lại Đà Nẵng. Trong đó, tập trung vào một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, ASEAN, Châu Âu, Mỹ… và khách quốc tế đến Đà Nẵng trên các đường bay mới trong năm 2025. Chương trình sẽ tặng hơn 12.000 voucher miễn phí và giảm giá từ 20-50% các dịch vụ lưu trú, vui chơi khu điểm du lịch, ẩm thực, show diễn, du ngoạn sông Hàn, giảm giá taxi Xanh SM khi di chuyển nội thành Đà Nẵng (có giá trị sử dụng đến hết năm 2025); giảm trực tiếp 25% giá vé Gói phổ thông tham quan Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài trong năm 2025 khi khách xuất trình thẻ lên máy bay trên các đường bay quốc tế mới đến Đà Nẵng trong năm 2025; bốc thăm may mắn nhận voucher giảm giá 50%-100%…

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết thêm, để đảm bảo chất lượng dịch vụ và các mức ưu đãi cho khách khi tham gia chương trình, các đơn vị tham gia chương trình đã có cam kết gửi Sở Du lịch, Sở Du lịch công bố danh sách các đơn vị tham gia, số hotline (84-236-3550111) để du khách tìm hiểu thông tin chương trình hoặc phản ánh ý kiến (nếu có). Đồng thời Sở Du lịch sẽ phối hợp các Sở ngành, đơn vị chức năng liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) liên quan đến chương trình.

Với các chiến dịch lớn này, ngành du lịch Đà Nẵng kỳ vọng đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2025 với lượng khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 11,9 triệu lượt tăng 10% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,8 triệu lượt, tăng hơn 17% so với năm 2024; khách nội địa ước đạt hơn 7,1 triệu lượt, tăng hơn 5% so với năm 2024; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu đạt hơn 36.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2024.

Hoa hậu quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy với cương vị mới là Đại sứ Du lịch Đà Nẵng năm 2025-2026. Ảnh: TITC

Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Du lịch Đà Nẵng) và Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng ký kết hợp tác đồng hành chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng 2025. Ảnh: TITC

Ký kết hợp tác giữa Sở Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về việc đồng hành và cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ. Ảnh: TITC

Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Du lịch Đà Nẵng) ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt trong việc đồng hành Chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2025.Ảnh: TITC

Trung tâm Thông tin du lịch

Chính thức cắt băng khai trương Gian hàng Du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin 2025

(TITC) – Sáng ngày 04/3 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Berlin (Đức), đoàn công tác Du lịch Việt Nam do Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phan Linh Chi dẫn đầu đã chính thức khai trương Gian hàng Du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin 2025. Sự kiện có sự hiện diện của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phan Linh Chi phát biểu tại Lễ khai trương

ITB Berlin là hội chợ vào hàng lớn nhất của ngành du lịch toàn cầu. Hàng năm, Hội chợ thu hút sự tham gia của hàng ngàn đơn vị triển lãm (gồm các điểm đến, tập đoàn, hãng lữ hành, đơn vị phát triển hệ thống đặt chỗ du lịch, hãng hàng không, khách sạn/khu nghỉ dưỡng và các đơn vị cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến du lịch) từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ; thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan nhằm gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh, cập nhật xu hướng mới của thị trường, khám phá các điểm đến hấp dẫn trên toàn cầu tham gia.

Gian hàng Du lịch Việt Nam tại ITB 2025 có diện tích hơn 400m2 với sự tham gia của 30 doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam. Thông điệp “Live fully in Vietnam” và Năm Du lịch quốc gia 2025 “Huế – Kinh đô xưa, Vận hội mới” được quảng bá mạnh mẽ tại sự kiện nhằm lan tỏa vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam và mời chào du khách quốc tế đến khám phá Việt Nam tươi đẹp, để được đánh thức mọi giác quan và sống trọn vẹn ý nghĩa.

Bốn dòng sản phẩm chủ đạo được tập trung giới thiệu, quảng bá tại Hội chợ là du lịch biển, du lịch tự nhiên, du lịch văn hoá và du lịch thành phố với nhiều sản phẩm bổ trợ, tạo thêm sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam như: du lịch khám phá, du lịch ẩm thực, du lịch gia đình, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch golf.

Tại gian hàng, đoàn Việt Nam cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá như: họp báo giới thiệu du lịch Việt Nam; biểu diễn nghệ thuật truyền thống; tiệc giao thương; gặp gỡ doanh nghiệp; làm việc với các đối tác; trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông báo chí; giới thiệu Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025…

Phát biểu tại Lễ khai trương, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phan Linh Chi cho biết, năm nay, gian hàng Du lịch Việt Nam có diện tích trên 400m2 được thiết kế cách điệu với hình ảnh mái đình Việt Nam – một biểu tượng thiêng liêng, là nơi người Việt hay tụ họp, bàn những công việc quan trọng; dần trở thành nơi che chở, là nét đẹp văn hóa trong tâm hồn người Việt. Với ý nghĩa đó, cùng thông điệp “Sống trọn vẹn tại Việt Nam”, Việt Nam chào đón du khách nước ngoài đến để trải nghiệm trọn vẹn một Việt Nam an toàn, tràn đầy sức sống, với thiên nhiên tươi đẹp, những bãi biển đầy nắng và một nền văn hóa phong phú cùng ẩm thực tuyệt vời.

Tham gia gian hàng Du lịch Việt Nam năm nay có 30 đơn vị đồng triển lãm đại diện các hãng hàng không, khách sạn, công ty quản lý điểm đến, các nhà cung cấp sản phẩm du lịch khác nhau, giới thiệu các dịch vụ du lịch phong phú, các sản phẩm mới và các điểm tham quan du lịch đặc sắc của Việt Nam, hấp dẫn thị trường châu Âu, đặc biệt là những du khách tìm kiếm trải nghiệm du lịch có ý nghĩa, độc đáo và bền vững.

Một điểm nhấn tại gian hàng Du lịch Việt Nam năm nay là hình ảnh đậm nét về du lịch Huế – địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề “Kinh đô xưa, Vận hội mới”. Huế – vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, lịch sử, mang trong mình những giá trị di sản của quốc gia và thế giới sẵn sàng chào đón du khách khắp nơi với những trải nghiệm khác biệt.

Trong bài phát biểu, Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng gửi lời mời đến các đối tác, khách tham quan tới chiêm ngưỡng, trải nghiệm những hình ảnh mới mẻ của Du lịch Việt Nam, gặp gỡ đối tác, tham gia tiệc giao thương và thưởng thức những màn biểu diễn nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

Các doanh nghiệp tham gia gian hàng chung đều bày tỏ sự tự hào về hình ảnh Du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2025 sau nhiều năm tham gia sự kiện du lịch lớn nhất toàn cầu này.

Trung tâm Thông tin du lịch/ Phòng Quản lý xúc tiến du lịch

Chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu!”: phương thức hiệu quả lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế

(TITC) – Chương trình truyền thông trên nền tảng số YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” là sáng kiến do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) và Google phối hợp khởi xướng trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi và phát triển.

Đây là hướng đi truyền thông chiến lược đầy mới mẻ, sáng tạo của Trung tâm Thông tin du lịch nhằm tận dụng sức mạnh của chuyển đổi số để tăng cường truyền thông quảng bá trên môi trường số, rút ngắn khoảng cách địa lý, tiếp cận các thị trường khách tiềm năng và mục tiêu. Với cách làm mới và hiệu quả, chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu!” thu hút sự ủng hộ, đồng hành của nhiều địa phương, đơn vị trong lĩnh vực du lịch, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube có sức ảnh hưởng.

Tính đến nay, sản phẩm của chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu!” là các video clip quảng bá các loại hình du lịch chủ đạo của Việt Nam như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên, du lịch thành phố, các điểm đến du lịch nổi bật của Việt Nam, cùng các loại hình du lịch thế mạnh như du lịch ẩm thực, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch đường sắt…

Thông qua các video clip “Việt Nam: Đi Để Yêu!” đã thể hiện vẻ đẹp sống động, rực rỡ của du lịch Việt Nam như hình ảnh ruộng bậc thang ngoạn mục là đặc trưng nơi rẻo cao Tây Bắc, cảnh sắc kỳ vĩ và hệ sinh thái phong phú của các hang động, thác nước, hòa mình vào làn nước trong xanh của biển, hay đưa người xem tận hưởng những giây phút bình yên trên ghe thuyền giữa miền Tây sông nước, không khí đoàn viên ấm áp khi Tết đến Xuân về. Tất cả mang đến cho người xem những xúc cảm trọn vẹn, chân thực.

Với nội dung, chủ đề, hình ảnh đặc sắc, những thước phim mãn nhãn đã chạm đến trái tim của người xem và nhận được sự quan tâm, chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Nhiều video clip đã nhanh chóng chạm mốc hàng triệu lượt xem trên nền tảng số YouTube, cho thấy sức cuốn hút từ các sản phẩm của chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu!”.

Cách làm mới mẻ, hiệu quả của Trung tâm Thông tin du lịch cùng các đơn vị đồng hành, chương trình truyền thông trên YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” là một bước đột phá nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam, phù hợp với xu hướng hiện đại và đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

Chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu!” đã vinh dự đạt Giải Nhì tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII năm 2022 và Giải Ba tại Giải thưởng lần thứ X năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan báo chí chủ lực tổ chức.

Trung tâm Thông tin du lịch

Chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025

(TITC) – Chiều ngày 3/3, tại TP. Huế, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong và đoàn công tác Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với UBND TP. Huế về công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025 “Huế – Kinh đô xưa, Vận hội mới”.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Huế ngày nay online)

Theo báo cáo của đại diện Sở Du lịch và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025 và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025. Căn cứ nội dung các Quyết định trên, UBND TP. Huế đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hoạt động Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2025 và Quyết định thành lập Ban Tổ chức và các Tiểu ban Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025 nhằm có cơ sở để phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố triển khai các nhiệm vụ được phân công tổ chức trong Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025.

Hiện nay, UBND TP. Huế đang khẩn trương hoàn thiện các nội dung về kịch bản, sân khấu, các khâu chuẩn bị công tác lễ tân – hậu cần, khách mời và đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025.

Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Báo Văn hóa)

Thời gian tới, UBND TP. Huế sẽ tập trung cho Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 25/3 tại bờ sông Hương, khu vực Bia Quốc Học với sân khấu bán thực cảnh trên mặt nước và trên bờ. Buổi lễ sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị những hoạt động Bộ hỗ trợ địa phương trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2025, gồm: Lễ hội Văn hóa – Du lịch và Chương trình giới thiệu du lịch, ẩm thực, làng nghề Việt Nam, kết nối doanh nghiệp nhân Năm Du lịch quốc gia – Huế tại thị trường châu Âu; Hội nghị quốc tế về các ngành công nghiệp văn hóa – nền tảng phát triển du lịch bền vững và các hoạt động bên lề; Chuỗi các hoạt động: Lễ hội ẩm thực Huế giao lưu bốn phương; Hội thi đầu bếp giỏi quốc gia năm 2025; Tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế đến khảo sát điểm đến tại Huế và Hội nghị quốc gia về du lịch Net Zero – Xu hướng hiện nay của Việt Nam và thế giới; Triển lãm “Không gian du lịch, di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam năm 2025”; Công tác truyền thông quảng bá…

Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2025 là sự kiện văn hóa – kinh tế – xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô quốc gia và tầm quốc tế gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương TP. Huế (26/3/1975 – 26/3/2025) và các dịp lễ, kỷ niệm lớn khác của cả nước; hưởng ứng, chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung và TP. Huế nói riêng; góp phần khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế khác biệt của thành phố để tạo sự phát triển đột phá về du lịch, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.Với chủ đề “Huế – Kinh đô xưa, Vận hội mới”, các hoạt động, sự kiện tập trung 4 nhóm chương trình chính: Lễ hội mùa xuân “Xuân Cố đô” (tháng 1 – 3); Lễ hội mùa hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 – 6); Lễ hội mùa thu “Huế vào Thu” (tháng 7 – 9); Lễ hội mùa đông “Mùa đông xứ Huế” (tháng 10 – 12).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay, địa phương cũng đã chuẩn bị, tính toán, xây dựng kỹ lưỡng. Kịch bản chương trình khai mạc được đầu tư lớn, cố gắng để thể hiện được hồn cốt văn hóa của cố đô.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Báo Văn hóa)

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, công tác truyền thông, quảng bá Năm Du lịch quốc gia 2025 là vô cùng quan trọng, cần đi trước một bước. Địa phương đã thông qua logo và sologan của Năm Du lịch Quốc gia 2025 là “Huế – Kinh đô xưa, vận hội mới”, cần đẩy mạnh truyền thông, xuất hiện nhiều hơn trên các ấn phẩm, các nền tảng… Các nội dung, hoạt động, sự kiện gắn với Năm Du lịch Quốc gia đều phải được thông tin liên tục và các đơn vị lữ hành, các đối tác bán tour gắn liền với sự kiện.

Hiện nay, thực hiện chương trình kích cầu của Du lịch Việt Nam năm 2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đang trình lãnh đạo Bộ yêu cầu các địa phương thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ; xây dựng các gói kích cầu để quảng bá trên trang kích cầu ngành du lịch 2025, trong đó có Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025. Thành phố Huế cũng cần chủ động có ý kiến để các địa phương, Bộ, ngành quan tâm lan tỏa về Năm Du lịch Quốc gia 2025 và tạo điều kiện kết nối, tổ chức các chương trình sự kiện tại Huế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh, Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025 có ý nghĩa rất lớn, tạo ra rất nhiều giá trị thúc đẩy du lịch Huế, là cơ hội để truyền thông, quảng bá hình ảnh Huế và tăng trưởng lượng khách, tạo đà để phát triển du lịch mạnh mẽ. Thông qua Năm Du lịch quốc gia, Huế phải có những sản phẩm du lịch mới, đường bay mới, thị trường khách mới… Để đạt được hiệu quả, công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia phải được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Các chương trình nghệ thuật không chỉ là văn nghệ, tập hợp các tiết mục mà phải thông qua nghệ thuật kể về câu chuyện của một vùng đất đậm chất văn hóa, mang những bản sắc riêng.

Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị cần chuyển tải bộ nhận diện thương hiệu thành các sản phẩm truyền thông; tranh thủ cơ hội của Năm Du lịch quốc gia 2025 để liên kết các doanh nghiệp, phát triển du lịch. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với UBND TP. Huế, các sở, ngành để chuẩn bị, tổ chức thành công các sự kiện, chương trình, hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2025.

Năm Du lịch Quốc gia 2025 là cơ hội rất lớn để đẩy mạnh quảng bá vẻ đẹp miền cố đô (Nguồn: Sở Du lịch TP. Huế)

Trung tâm Thông tin du lịch

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

(TITC) – Ngày 01/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 theo Nghị quyết 11/NQ-CP là giải pháp quan trọng do Bộ VHTTDL triển khai nhằm thúc đẩy thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam

Chỉ thị nêu rõ, năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa then chốt, tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, do đó cần tăng trưởng bứt phá để về đích Kế hoạch 05 năm 2021 – 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Chính phủ đã trình Trung ương, Quốc hội ban hành Kết luận, Nghị quyết để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên; trên cơ sở đó đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cho từng địa phương, Bộ, ngành.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định mới, đột phá đã ban hành, tháo gỡ, giải phóng ngay nguồn lực của nền kinh tế.

Về nhóm giải pháp đẩy mạnh khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử và thu hút khách du lịch, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; triển khai các giải pháp đồng bộ để khai thác xu hướng tiêu dùng, du lịch trong nước dịp lễ, tết.

Bộ Công Thương có trách nhiệm đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số gắn với tăng cường giám sát, xử lý vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử; phát triển các mô hình tiêu dùng kết hợp trải nghiệm như trung tâm thương mại số, kết hợp thương mại – văn hoá – du lịch…

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, thể thao, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa.

Tăng cường quảng bá vẻ đẹp Việt Nam, thu hút khách quốc tế (Tác giả: Trần Bảo Hòa)

Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan nghiên cứu phương án đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho công dân một số nước châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ La-tinh…

Các bộ, cơ quan và địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động phương án, giải pháp đồng bộ để điều tiết sản xuất, kích cầu để khai thác tối đa, hiệu quả xu hướng tiêu dùng, du lịch trong nước trong các dịp lễ, tết.

Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí… thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành: bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics…

Trung tâm Thông tin du lịch

Quảng Ninh: Kích cầu du lịch thu hút khách

Để tăng sức cạnh tranh điểm đến cũng như đón đầu thị trường khách, ngành du lịch Quảng Ninh nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kích cầu, truyền thông quảng bá. Các hoạt động này được thực hiện phong phú, kết hợp giữa nhiều loại hình, qua đó giới thiệu đến du khách những tiềm năng, thế mạnh, cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tiếp cận đa dạng các dòng khách.

Đoàn famtrip Trung Quốc ghi lại hình ảnh tại Làng Văn hóa – Du lịch cộng đồng Sán Dìu, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn

Để mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh, Sở Du lịch đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, cũng như tổ chức các sự kiện phát động kích cầu thị trường, các hội thảo giới thiệu điểm đến; đồng thời, tham gia các hội chợ du lịch kết nối doanh nghiệp, kết hợp linh hoạt giữa các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tỉnh sẽ tổ chức các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm cho các doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan báo chí truyền thông, tăng cường kết nối hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và các địa phương trọng điểm du lịch trong việc quảng bá xúc tiến.

Dự kiến quý I/2025, ngành Du lịch phấn đấu đạt 5,5 triệu lượt khách, doanh thu trên 12.000 tỷ đồng. Để phát triển thị trường khách quốc tế, tỉnh sẽ tổ chức các chương trình quảng bá xúc tiến tại nước ngoài, trọng điểm là các thị trường truyền thống, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và một số thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Úc, Đức. Đồng thời, tổ chức chương trình làm việc, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành uy tín trong và ngoài nước, đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế đến khảo sát, tuyên truyền. Đặc biệt, ngành Du lịch Quảng Ninh tiếp tục trao đổi, thống nhất với các cơ quan quản lý về du lịch tại một số địa phương Trung Quốc để thống nhất các giải pháp thu hút, trao đổi khách du lịch giữa các bên, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn tại và các vấn đề về quản lý môi trường kinh doanh du lịch.

Du khách Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại Vịnh Hạ Long

Đối với thị trường nội địa, ngành Du lịch tiếp tục thúc đẩy triển khai các thỏa thuận ghi nhớ hợp tác du lịch đã ký kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành lớn để đẩy mạnh thu hút khách. Cụ thể, tổ chức chương trình làm việc, giới thiệu quảng bá kích cầu du lịch Quảng Ninh với một số tỉnh phía Nam, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, cùng các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp lữ hành lớn có uy tín, các hãng hàng không…; chủ động tham gia Hội chợ Du lịch Việt Nam (VITM 2025); Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh 2025; Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE 2025)…

Đặc biệt, Quảng Ninh dự kiến tổ chức 170 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn. Trong đó, có 24 chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa thể thao, du lịch quốc tế, cấp quốc gia và cấp tỉnh; 146 chương trình cấp địa phương. Nổi bật phải kể đến các hoạt động Xuân – Hè bao gồm: Chương trình Carnaval Hạ Long 2025, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh năm 2025, Giải Aqua Warriors HaLong Bay 2025, Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2025; Lễ hội diều bay có động cơ và dù lượn, Liên hoan lân sư rồng… Ngoài ra, quý III, IV/2025, diễn ra Tuần Du lịch Thu Đông với các giải thể thao được tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Giải vô địch đấu kiếm U23 Quốc gia 2025, Giải khiêu vũ thể thao Quảng Ninh mở rộng, Giải marathon Yên Tử Heritage 2025… Đơn vị chức năng tập trung tuyên truyền về du lịch Quảng Ninh, phối hợp với các đơn vị truyền thông đăng tải các thông tin du lịch trên tất cả các hạ tầng; chủ động theo dõi thông tin trên báo chí, mạng xã hội để kịp thời phát hiện, tham mưu các biện pháp xử lý nếu có thông tin thiếu khách quan, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của địa phương, của tỉnh.

Cùng với tỉnh, các địa phương cũng đã sẵn sàng tổ chức nhiều sự kiện nhằm kích cầu, thu hút du khách. Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cô Tô, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển mô hình kinh tế ban đêm nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch sẵn có. Trong đó, hướng tới xây dựng mô hình chợ đêm (mua sắm, ẩm thực tổng hợp), tổ chức hoạt động phố đi bộ, tạo không gian phố đi bộ sôi động, gắn các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với kinh doanh, dịch vụ. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá và phát triển du lịch Cô Tô, xây dựng các ấn phẩm du lịch Cô Tô, video clip quảng bá, kích cầu du lịch Cô Tô…

Còn tại TP Móng Cái, các xã, phường đã phối hợp xây dựng chương trình tổ chức các sự kiện, hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch theo chỉ đạo của thành phố. Đồng thời, đăng tải thường xuyên thông tin, hình ảnh du lịch lên các fanpage nhằm quảng bá các tiềm năng và hoạt động du lịch của địa phương; xây dựng các chương trình khuyến mại, chào tour, giới thiệu, quảng bá tới du khách; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong toàn quốc cung cấp tư liệu, giới thiệu các sản phẩm tới du khách.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng khẩn trương thực hiện các phương án quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua phương tiện thông tin truyền thông, tận dụng tối đa nền tảng sẵn có, không để chậm trễ “thời cơ vàng” quảng bá du lịch. Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Điều hành Sun Group vùng Đông Bắc, chia sẻ: Thời điểm này, đơn vị tích cực quảng bá điểm đến du lịch Quảng Ninh trên các pano, áp phích và màn hình chiếu trong hệ sinh thái du lịch của Tập đoàn Sun Group và đối tác như hàng không, lữ hành, resort… Bên cạnh đó, đơn vị cũng nhanh chóng kết nối, làm việc với các đơn vị lữ hành để xây dựng các gói du lịch đến Quảng Ninh qua sân bay Vân Đồn, tạo điều kiện để du khách có những trải nghiệm đáng nhớ tại Quảng Ninh.

Đầu năm 2025, Quảng Ninh đón những tín hiệu tích cực, khởi sắc từ du lịch. Với chiến lược phát triển du lịch rõ ràng cùng sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong công tác kích cầu, xúc tiến du lịch, Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế, đồng thời thu về 55.000 tỷ đồng từ hoạt động du lịch.

Hoàng Quỳnh

Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.vn – Đăng ngày 01/3/2025

Thông báo về việc đăng ký đón khách du lịch theo Nghị quyết 11/NQ-CP

(TITC) – Ngày 28/2, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã ban hành văn bản số 391/CDLQGVN-QLLH gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế về việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/01/2025 của Chính phủ.

Theo đó, triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước: Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Liên bang Thuỵ Sỹ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 760/KH-BVHTTDL ngày 26/02/2025 (văn bản kèm theo).

Để đảm bảo triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thúc đẩy sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch và các ngành liên quan, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị doanh nghiệp:

1. Nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/01/2025 của Chính phủ và Kế hoạch số 760/KH-BVHTTDL ngày 26/02/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Tích cực hưởng ứng tham gia đón khách du lịch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/01/2025 của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đăng ký 01 lần trước thời điểm đón khách 05 ngày làm việc, thông báo về Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam theo mẫu Phụ lục I và báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cung cấp cho khách du lịch Giấy xác nhận theo mẫu Phụ lục II (bản scan hoặc ảnh chụp) việc tham gia chương trình du lịch để thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định.

3. Đề nghị các doanh nghiệp thông tin, quảng bá tới khách du lịch và các đối tác về chính sách miễn thị thực theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ. Trong quá trình triển khai, thường xuyên thông tin những vướng mắc, khó khăn (nếu có) về Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để kịp thời giải quyết.

Thông tin về chính sách miễn thị thực theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2025 được đăng tải trên trang web chính thức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: https://2025.vietnam.travel.

Thông tin liên hệ: Phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt NamĐT: 088 6337668 hoặc 0904157948. Địa chỉ: 32 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà NộiEmail:dangky@vietnamtourism.gov.vn./.

Xem văn bản

Trung tâm Thông tin du lịch

Hà Nội: Ra mắt “App du lịch Hoàn Kiếm” và “Cẩm nang du lịch” quận Hoàn Kiếm

(TITC) – Tối ngày 28/2, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm đã diễn ra Chương trình giới thiệu “App du lịch Hoàn Kiếm” và “Cẩm nang du lịch” quận Hoàn Kiếm.

Chính thức ra mắt “App du lịch Hoàn Kiếm” và “Cẩm nang du lịch” quận Hoàn Kiếm (Ảnh: TITC)

Đây là nền tảng để quận Hoàn Kiếm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tạo ra các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội thiết thực cho cộng đồng. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển kinh doanh trong tương lai, đồng thời góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của các điểm đến, sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ du khách khi tới tham quan khu phố cổ và quận Hoàn Kiếm.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Hoàn Kiếm là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Thủ đô. Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã ưu tiên phát triển du lịch mạnh cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị tăng trưởng cao. Năm 2023, khu vực hồ Hoàn Kiếm – phụ cận và khu Phố cổ Hà Nội đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Khu du lịch cấp Thành phố. Đây là mốc đánh giá quan trọng của ngành du lịch quận trong bản đồ du lịch trong nước và thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)

Với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ để góp phần phát triển du lịch là cần thiết nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch đến du khách trong và ngoài nước. Nắm bắt được xu thế đó, UBND Quận Hoàn Kiếm đã sớm triển khai xây dựng “Cẩm nang du lịch quận Hoàn Kiếm phiên bản song ngữ Anh – Việt bản giấy và bản điện tử; Hiệp hội Du lịch quận phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng  “App du lịch Hoàn Kiếm” nhằm bắt kịp xu thế, góp phần cung cấp thông tin kịp thời cho du khách, tăng cường sự trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế thông qua ứng dụng hỗ trợ du lịch.

Theo đó, Cẩm nang du lịch Hoàn Kiếm làmột công cụ hữu ích cung cấp thông tin cập nhật về các địa điểm tham quan, ẩm thực, lưu trú cũng như các gợi ý hành trình khám phá, giúp du khách có được trải nghiệm du lịch trọn vẹn và sâu sắc. Cuốn cẩm nang du lịch quận Hoàn Kiếmra đời với phiên bản song ngữ tiếng  Anh và tiếng Việt, tích hợp phần mềm sẽ là giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện hỗ trợ truyền thông, quảng bá, giới thiệu du lịch tới du khách trong và ngoài nước khi đến với Hoàn Kiếm.

Toàn cảnh chương trình (Ảnh: TITC)

App du lịch Hoàn Kiếm là một ứng dụng được thiết kế với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, tích hợp đầy đủ các tính năng như tra cứu thông tin điểm đến, bản đồ tương tác, lịch sử văn hóa và các sự kiện đặc sắc của Quận.“App du lịch Hoàn Kiếm” ra đời nhằm bắt nhịp xu thế chuyển đổi số trong ngành du lịch, góp phần cung cấp thông tin kịp thời cho du khách, tăng cường sự trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế thông qua ứng dụng hỗ trợ du lịch, giúp hỗ trợ du khách tìm hiểu sâu hơn về thông tin trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm.

Đại diện cho doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Eco Travel Đỗ Đức Mạnh đánh giá cao các tính năng của “App du lịch Hoàn Kiếm” và sự phong phú của “Cẩm nang du lịch Hoàn Kiếm”. Việc tích hợp nhiều thông tin và các tiện ích sẽ hỗ trợ rất nhiều các doanh nghiệp lữ hành triển khai nhiều hoạt động phục vụ khách du lịch được tốt hơn.

Các đại biểu dự chương trình (Ảnh: TITC)

Biểu diễn nghệ thuật tại chương trình (Ảnh: TITC)

Hoàn Kiếm là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, tâm hồn và tâm linh của người dân thủ đô gắn liền với lịch sử của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Nơi đây đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể với 190 di tích lịch sử, văn hóa, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 37 di tích quốc gia, là quận có mật độ di sản văn hóa cao. Cùng với đó là rất nhiều giá trị phi vật thể phong phú, hấp dẫn như các phố nghề, phố ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian; những lễ hội truyền thống như lễ hội đền Bạch Mã – là trấn đông của thành Thăng Long xưa, đình Kim Ngân, đình Yên Thái, lễ hội Trung thu Phố cổ, lễ hội nghề Kim hoàn, lễ hội Vua Lê đăng quang,…Với những lợi thế về lịch sử – văn hóa, quận Hoàn Kiếm đã và đang khai thác những giá trị đó tạo nên sản phẩm văn hóa du lịch riêng, không nơi nào có được. Ngoài điểm đến vui chơi du lịch đặc sắc, ẩm thực Hoàn Kiếm hấp dẫn với nhiều món ăn mang phong vị Hà thành với hàng nghìn cơ sở kinh doanh ẩm thực, với hơn 700 cơ sở lưu trú, khách sạn, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, văn hóa, và hơn 1.800 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… nên được rất nhiều du khách, bạn bè năm châu cũng như người dân trong và ngoài nước chọn làm điểm đến tham quan.

Trung tâm Thông tin du lịch

Đại sứ Cộng hòa Séc mong thúc đẩy du khách Séc đến Việt Nam với chính sách miễn thị thực mới

(TITC) – Chiều ngày 28/2, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã có buổi tiếp và làm việc với ngài Đại sứ Cộng hòa Séc Hynek Kmonicek về các nội dung liên quan đến chính sách miễn thị thực mới cho công dân Cộng hòa Séc.

Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: TITC

Tại buổi tiếp, ngài Đại sứ Cộng hòa Séc chia sẻ, nhân dịp chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Cộng hòa Séc, Việt Nam công bố miễn thị thực có thời hạn cho công dân Cộng hòa Séc. Đại sứ quán đã nhận được một số tài liệu cũng như tìm hiểu qua các kênh thông tin truyền thông về chính sách miễn thị thực cho công dân Séc theo chương trình kích cầu du lịch năm 2025. Nhân dịp này ngài Đại sứ Cộng hòa Séc mong muốn trao đổi với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để tìm hiểu, làm rõ hơn một số nội dung trong chương trình.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu trao tài liệu liên quan đến chương trình cho ngài Đại sứ Cộng hòa Séc Hynek Kmonicek. Ảnh: TITC

Trân trọng cảm ơn Đại sứ Cộng hòa Séc đã rất quan tâm đến chính sách mới của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu thông tin, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc miễn thị thực ngắn hạn, có điều kiện cho công dân Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Liên bang Thụy Sỹ theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025.

Theo đó, việc miễn thị thực nhập cảnh với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh với mục đích du lịch cho công dân Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Liên bang Thụy Sỹ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP thực hiện từ ngày 01/03/2025 đến hết ngày 31/12/2025 để kích cầu phát triển du lịch. Công dân 3 nước nói trên nhập cảnh Việt Nam cần có hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và du lịch theo chương trình do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, có giấy xác nhận tham gia chương trình du lịch.

Do đó, công dân Cộng hòa Séc có nhu cầu du lịch Việt Nam mua tour của công ty du lịch Việt Nam sẽ được cấp giấy xác nhận tham gia chương trình du lịch và được miễn thị thực.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu tặng quà lưu niệm ngài Đại sứ. Ảnh: TITC

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, hai nước Việt Nam và Séc có mối thân tình hữu nghị tốt đẹp, thông qua con đường du lịch, sợi dây kết nối hai nước càng được thắt chặt. Sự thành công của chương trình này sẽ gia tăng lượng khách Séc đến Việt Nam và đem lại hy vọng về chính sách tiếp tục miễn thị thực cho công dân Séc trong tương lai.

Cám ơn thông tin chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, ngài Đại sứ Hynek Kmonicek cho biết sẽ thông tin cho Bộ Ngoại giao và công dân Séc về chương trình miễn thị thực này. Ngài Đại sứ bày tỏ sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam trong quá trình triển khai chương trình, hy vọng rằng chương trình thành công, lượng khách trao đổi sẽ ngày càng gia tăng, nhất là khi sắp tới sẽ có đường bay thẳng giữa hai nước.

Trung tâm Thông tin du lịch

Khởi động dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”

(TITC) – Sáng ngày 28/2/2025, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, tổ chức lễ khởi động dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (Swiss Tourism for Sustainable Development Project in Vietnam – ST4SD).

Tham dự buổi lễ, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế. Về phía Thụy Sỹ có ngài Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam; ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam; ông Kenneth Wood, Chuyên gia trưởng Dự án ST4SD; cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và ngài Đại sứ Thụy Sỹ dự Lễ khởi động dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (Ảnh: TITC)

Cơ hội phát triển du lịch Việt Nam theo hướng bền vững và toàn diện hơn

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam liên tục được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đặc biệt, Việt Nam dẫn đầu khu vực về tốc độ phục hồi du lịch sau đại dịch, với lượng khách quốc tế tăng 38% trong năm 2024 so với năm 2023. Năm 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới với 17,6 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch đạt 840 nghìn tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi Lễ (Ảnh: TITC)

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tin rằng, sự phát triển của du lịch Việt Nam không thể tách rời sự hợp tác và hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. Du lịch Việt Nam luôn coi Thụy Sỹ là một đối tác quan trọng hàng đầu. “Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là động lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và tính bền vững của ngành du lịch thông qua mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ xây dựng và triển khai chính sách phát triển du lịch bền vững ở cả trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo du lịch – khách sạn và hỗ trợ các điểm đến, doanh nghiệp trong đầu tư, thực hành du lịch bền vững”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nói.

Dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ các địa phương tăng cường hợp tác công – tư và thúc đẩy chuyển đổi du lịch theo hướng bền vững. Ba địa phương được lựa chọn triển khai là Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, với tiềm năng phát triển du lịch bền vững cùng những màu sắc riêng. Mỗi địa phương có những sản phẩm du lịch đặc trưng: Hà Giang là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ cùng văn hóa đa dạng của 19 dân tộc như Mông, Tày, Nùng, Dao,…; Ba địa phương chứng minh vẻ đẹp du lịch Việt Nam đa dạng, nhiều màu sắc, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Để triển khai hiệu quả Dự án, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhà tài trợ SECO triển khai tiếp nhận, giám sát, đánh giá dự án theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Nghị định 20/2023/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Đồng thời, tin tưởng rằng các địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và các bên liên quan sẽ tích cực đồng hành, thực hiện dự án, đảm bảo đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Ngài Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass phát biểu tại buổi Lễ (Ảnh: TITC)

Tại đây, ngài Đại sứ Thomas Gass nhấn mạnh rằng Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố tuyệt vời để phát triển du lịch, từ cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hùng vĩ đến bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm thế nào để khai thác tối đa tiềm năng du lịch mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc và bảo vệ môi trường. Thụy Sỹ đã có lịch sử phát triển du lịch lâu đời, ngài Đại sứ tin rằng, kiến thức, kinh nghiệm của Thụy Sỹ tích lũy được sẽ giúp Việt Nam phát triển du lịch bền vững trong những năm sắp tới. Dự án ST4SD và cá nhân ngài Đại sứ sẽ sát cánh để đưa ra thêm nhiều giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn mất cân bằng sinh thái.

Ngài Đại sứ Thomas Gass hy vọng rằng việc chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm của Thụy Sĩ trong đào tạo du lịch, nhà hàng và khách sạn sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và đạt chất lượng cao. Chương trình Swiss EHT sẽ trang bị cho các nhà lãnh đạo và quản lý tương lai của ngành này tại Việt Nam các công cụ hữu ích, giúp họ mang đến dịch vụ xuất sắc đồng thời đảm bảo các cam kết về bền vững

Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp được lựa chọn để triển khai dự án

Giới thiệu tổng quan về Dự án, ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Quốc gia Helvetas tại Việt Nam cho biết, với mục đích phát triển ngành du lịch Việt Nam bền vững và toàn diện hơn, Dự án ST4SD hỗ trợ quá trình dự thảo, đề xuất các chính sách có liên quan và tăng cường đối thoại công tư ở cả cấp quốc gia và địa phương; xây dựng và phát triển Chương trình Đào tạo Quản trị Du lịch và Khách sạn (Swiss EHT) giữa đối tác Thụy Sỹ với các cơ sở đào tạo đủ tiêu chuẩn của Việt Nam và tạo ra mạng lưới chuyên gia trong ngành du lịch từ Thụy Sỹ và Việt Nam. Đồng thời, dự án thúc đẩy ý tưởng đổi mới, sáng tạo cho các doanh nghiệp và điểm đến nhằm tăng cường tính bền vững (bao gồm cả việc đưa ra các tiêu chuẩn bền vững). Tại ba tỉnh được lựa chọn, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong việc phát triển và xúc tiến các điểm đến và sản phẩm du lịch phù hợp với kế hoạch phát triển du lịch hiện tại của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Về lâu dài, dự án ST4SD sẽ hỗ trợ tạo ra sinh kế mới và phát triển nền kinh tế bền vững ở Việt Nam.

Báo cáo Kế hoạch triển khai Dự án, ông Kenneth Wood, Chuyên gia trưởng Dự án ST4SD cho biết, thời gian thực hiện dự án trong bốn năm từ 2024-2027. Ba địa phương được lựa chọn triển khai là Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp. Có thể mở rộng thêm Huế, Cần Thơ và Hà Nội. Dự án gồm ba phần: Phần thứ nhất sẽ tăng cường cơ chế đối thoại công tư ở cấp quốc gia, vùng và tỉnh; xây dựng bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam nhằm tăng sức cạnh tranh. Phần thứ hai cung cấp chương trình đào tạo chất lượng cao, hướng tới phát triển kỹ năng, chuyên môn cho đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Phần thứ ba là hỗ trợ các điểm đến có ý tưởng về phát triển du lịch bền vững cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tiêu chuẩn bền vững.

Đại diện ba tỉnh Hà Giang, Đồng Tháp và Quảng Nam phát biểu góp ý tại buổi Lễ (Ảnh: TITC)

Ba tỉnh Hà Giang, Đồng Tháp và Quảng Nam đều kỳ vọng mang những nét đẹp đặc trưng của từng địa phương, các sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc tới du khách trong nước và quốc tế. Mong muốn Thụy Sỹ sẽ hỗ trợ định hướng quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương, về đào tạo chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý điểm đến, hướng tới thực hành bền vững cho các doanh nghiệp và điểm đến du lịch trong thời gian tới.

Lễ Ký thư trao đổi về cam kết cung cấp và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại giữa đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và ngài Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam (Ảnh: TITC)

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cảm ơn Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ và Tổng cục Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã huy động tài trợ không hoàn lại, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong cải cách kinh tế, xã hội, môi trường và du lịch bền vững. Những đóng góp này đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận trong những năm qua.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại buổi Lễ (Ảnh: TITC)

Thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá cao tiềm năng du lịch của ba tỉnh được lựa chọn. Thứ trưởng nhận định rằng, dù có thể đi sau về phát triển công nghiệp, nhưng Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp hoàn toàn có cơ hội tiên phong trong tăng trưởng xanh và phát triển du lịch bền vững theo hướng net-zero. “Tận dụng hiệu quả nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ, kết hợp với đội ngũ cán bộ am hiểu thực tiễn, giàu kinh nghiệm về du lịch và phát triển bền vững, sẽ giúp dự án đạt hiệu quả tối đa”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cũng mong muốn rằng, không chỉ dừng lại ở ba tỉnh, trong tương lai, mô hình này sẽ được mở rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương khác. Việc kết nối từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở, doanh nghiệp, cộng đồng điểm đến sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai dự án, đảm bảo du lịch bền vững thực sự đi vào đời sống và mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương.

Lãnh đạo và đại biểu hai bên chụp hình lưu niệm (Ảnh: TITC)

Trung tâm Thông tin du lịch

Việt Nam và Thụy Sỹ thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(TITC) – Sáng ngày 28/02, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đã có buổi tiếp xã giao ngài Thomas Gass – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam. Cùng dự có Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Nhất Hoàng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tiếp xã giao ngài Thomas Gass – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam. Ảnh: TITC

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thụy Sỹ vừa qua. Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/01/2025 về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch cho công dân các nước Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ và Chương trình kích cầu du lịch trong năm 2025, trọng tâm là kích cầu đến các nước được miễn thị thực như trong Nghị quyết 11 của Chính phủ. Điều này thể hiện sự quan tâm và coi trọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL Việt Nam trong quan hệ với các nước đối tác, trong đó có Thụy Sỹ.

Buổi làm việc ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước. Cùng với Lễ công bố Dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” để triển khai đưa vào thực tiễn là một trong những sự kiện có ý nghĩa thiết thực thể hiện tinh thần hợp tác giữa hai quốc gia.

Thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá, Việt Nam và Thụy Sỹ có mối quan hệ đặc biệt về hợp tác du lịch, nhất là trong việc học tập, tìm hiểu lẫn nhau và trong đào tạo nguồn nhân lực. Hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng về cảnh quan thiên nhiên, điều kiện phát triển du lịch, song cũng có nhiều nét đặc trưng, riêng có.

Thụy Sỹ là quốc gia phát triển du lịch từ rất sớm, là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phát triển. Việt Nam cũng có hệ thống các trường cao đẳng nghề du lịch chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, Lãnh đạo Bộ VHTTDL mong muốn phía Thụy Sỹ sẽ tham gia hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch bền vững, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi, lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, mong muốn hai bên cùng hợp tác, hỗ trợ quảng bá lẫn nhau, định vị thương hiệu điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Tạo điều kiện thuận nhất để người dân và du khách hai nước đi lại dễ dàng, thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện.

Thông tin về những kết quả tích cực của du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, năm 2024, Việt Nam đón gần 17,6 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ trên 110 triệu lượt khách nội địa; được các quốc gia ASEAN ghi nhận là nước dẫn đầu khu vực về tốc độ phục hồi và phát triển du lịch.

Với vị thế ngày càng cao trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam có vai trò là cầu nối kết nối với các nước trong khu vực, đồng thời là cửa ngõ để các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Âu mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch.

Đánh giá cao vai trò của ngài Đại sứ Thomas Gass trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác đa lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, Thứ trưởng Hồ An Phong mong rằng thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch cũng như thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.

Lãnh đạo, đại biểu hai bên chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Hồ An Phong đã dành thời gian tiếp và làm việc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam, ngài Thomas Gass khẳng định, Việt Nam và Thụy Sỹ có mối quan hệ hữu nghị vô cùng tốt đẹp, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Cả hai nước đều có rất nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên đa dạng, nguyên sơ và khác biệt. Có thể nói đây là một trong những tiềm năng lớn, là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác phát triển.

Kể từ năm 2018, Thụy Sỹ đã tổ chức nhiều hoạt động hợp tác du lịch với Việt Nam, hỗ trợ xây dựng các bộ tiêu chí xanh và các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một bước quan trọng trong việc đặt nền móng cho các dự án hiện tại và đặc biệt là Dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”. Nhấn mạnh việc phát triển du lịch bền vững là một trong những nội dung quan trọng, Đại sứ mong muốn Việt Nam và Thụy Sỹ cùng nhau tập hợp đối tác Nhà nước và tư nhân để cùng xây dựng những điểm đến bền vững và khác biệt.

Đại sứ Thomas Gass cũng khẳng định, Thụy Sỹ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Đồng thời hy vọng trong tương lai gần, hệ thống khách sạn và nhà hàng cao cấp không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Thụy Sỹ sẽ có thể được điều hành, quản lý bởi nhân sự người Việt Nam.

Về vấn đề thị thực, Đại sứ Thomas Gass bày tỏ vui mừng trước chính sách thị thực mới thông thoáng của Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ dành cho công dân Thụy Sỹ. Đồng thời trong thời gian tới, hai bên có thể nghiên cứu xây dựng các chính sách thị thực thuận lợi hơn nữa, tạo điều kiện cho du lịch hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Khách du lịch Thụy Sỹ có nhiều đặc điểm khác biệt, họ không chỉ đến Việt Nam để tham quan, chụp ảnh mà còn rất quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch bền vững tại đây. Vì vậy, cần có những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tâm lý, tính cách, nhu cầu của từng đối tượng khách hàng để thu hút họ đến và trải nghiệm. Đại sứ mong rằng, thời gian tới, Việt Nam và Thụy Sỹ sẽ có những hoạt động trao đổi cụ thể hơn để thu hút du khách tiềm năng từ Thụy Sỹ.

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến trao đổi của ngài Đại sứ Thomas Gass, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy phát triển du lịch hai nước trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng cho biết, năm 2025 là năm Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn như 80 năm Ngày thành lập nước (1945 – 2025), 50 năm thống nhất đất nước (1975 – 2025), Việt Nam cũng sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn để kích cầu du lịch bằng những chính sách cụ thể dành cho du khách quốc tế, trong đó có du khách Thụy Sỹ. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ có những hướng dẫn cụ thể về thủ tục cũng như các vấn đề liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch. Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng mong muốn hai bên sẽ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, đi vào từng nội dung công việc cụ thể để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch cũng như đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh trò chuyện thân mật với ngài Đại sứ Thomas Gass. Ảnh: TITC

Trung tâm Thông tin du lịch