Hà Nội đón đoàn VĐV Pickleball hàng đầu thế giới, khẳng định vị thế điểm đến du lịch thể thao hấp dẫn

(TITC) – Trong khuôn khổ Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025, tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, sáng ngày 12/4, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã dự buổi lễ đón tiếp đoàn vận động viên Pickleball và các KOLs thể thao hàng đầu thế giới.  

Thứ trưởng Hồ An Phong chụp ảnh kỷ niệm cùng đại diện đoàn vận động viên Pickleball (Ảnh: TITC)

Theo Ban Tổ chức, ngày 15/4/2025, tại Ban quản lý dự án Đại Kim, Hà Nội, Vietnam Pickleball Incubator (VPI) sẽ phối hợp cùng thương hiệu thể thao quốc tế Proton và đơn vị tổ chức Pink Tour tổ chức Chương trình thi đấu biễu diễn Pickleball chuyên nghiệp số 1 thế giới (MLP) tại Việt Nam.

Chương trình được tổ chức góp phần tăng cường vị thế, hình ảnh và sức hút du lịch của Việt Nam trên trường quốc tế; Thúc đẩy phát triển mô hình du lịch thể thao hiện đại, tạo ra cơ hội thu hút đầu tư và giao lưu quốc tế trong tương lai. Qua đó, lan tỏa giá trị văn hóa, con người và thiên nhiên Việt Nam đến cộng đồng thể thao toàn cầu thông qua hình ảnh Pickleball – một môn thể thao đang phát triển nhanh nhất thế giới.

Tặng quà kỷ niệm đoàn vận động viên Pickleball nổi tiếng thế giới (Ảnh: TITC)

Với sức ảnh hưởng của các vận động viên Pickleball hàng đầu thế giới và các sản phẩm truyền thông của chương trình, Việt Nam sẽ được giới thiệu rộng rãi qua vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người, từ đó góp phần xây dựng tỉnh trở thành điểm đến du lịch thể thao hàng đầu, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Chương trình cũng sẽ khẳng định, Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng của các vận động viên Pickleball hàng đầu thế giới. Với đủ yếu tố tinh hoa để tổ chức các sự kiện lớn, Việt Nam cho thấy sự vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá văn hóa và con người Việt ra thế giới.

Đoàn vận động viên Pickleball và các KOLs đi thăm các gian hàng tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 (Ảnh: TITC)

Trung tâm Thông tin du lịch

Bình Thuận: Những điểm đến du lịch biển hấp dẫn

Với thiên nhiên trù phú, bãi biển đẹp, đồi cát đỏ, Bình Thuận có nhiều biện pháp phát huy tốt tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch trở thành những điểm đến du lịch biển hấp dẫn.

Nằm ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận), Đồi cát bay, những  ngày này luôn có đông du khách đến trải nghiệm điểm độc đáo này. Tên gọi Đồi cát bay bắt nguồn từ việc đồi cát không có hình dáng nhất định mà luôn thay đổi liên tục theo giờ, theo ngày, theo tháng… do sự bào mòn của gió biển, tạo nên nhiều hình thù kỳ thú.

Hội đua thuyền truyền thống tại Bình Thuận

Vui các trò chơi trải nghiệm trên đồi cát bay, anh Nguyễn Hoài Nam ở quận 10, TP Hồ Chí Minh thích thú: “Mỗi khi có đợt gió lớn, tôi chứng kiến nhiều lớp cát bay làm diện mạo đồi cát khác hẳn với hình dạng trước đó. Màu sắc thay đổi liên tục, có khi vàng, trắng, trắng xám, đỏ sậm… hòa lẫn vào nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Khi trượt ván từ trên những cồn cát xuống phía dưới chân đồi cát cũng là những trải nghiệm thú vị với nhiều cung bậc cảm giác, khó quên đối với tôi. Đây là kỳ nghỉ giúp tôi có nhiều trải nghiệm khám phá thiên nhiên tại Bình Thuận”.

Nhiều du khách đến bãi biển Bình Thuận vào các kỳ nghỉ lễ

Còn chị Lê Thị Lụa, ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho hay: “Vào ngày nghỉ cuối tuần đến khu du lịch Mũi Né (TP Phan Thiết), tôi như tìm được một nơi yên tĩnh, ngắm nhìn bình minh hay hoàng hôn trên những đồi cát vàng sau một tuần làm việc căng thẳng. Tại đây, tôi có thể thư giãn nghe tiếng sáo diều vi vu trên trời cao hay tiếng sóng biển vỗ về khiến cuộc sống như chậm lại, mọi ưu phiền tan biến hết. Đến nơi đây, chúng tôi còn có điều kiện khám phá, tìm hiểu cuộc sống của những ngư dân bên những làng chài ven biển. Mỗi sáng, từng chiếc thuyền đánh cá đêm cập bờ, mọi người hối hả cùng nhau đưa cá, hải sản lên bờ, trao đổi mua bán tấp nập. Chúng tôi cũng mua và thưởng nhiều hải sản được chế biến đậm hương vị vùng biển”.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có địa hình ven biển, khí hậu quanh năm ấm áp, nắng nhiều. Cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Với bờ biển dài, bãi biển sạch đẹp có nhiều đảo, cù lao, vũng, vịnh, những bãi cát trắng, nước trong xanh, tạo nên nhiều điểm du lịch nổi tiếng, như Đảo Phú Quý, làng chài Mũi Né, Bàu Trắng…

Đồng chí Nguyễn Lan Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: “Với tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch biển, chúng tôi đã chủ động phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch biển đẳng cấp, xây dựng thành nhiều điểm du lịch biển hấp dẫn du khách”.

Du khách tham quan, tìm hiểu tại Khu Di tích Trường Dục Thanh, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Triển khai phát triển du lịch, những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng du lịch chất lượng cao, đồng thời gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Địa phương có nhiều cơ chế chính sách, thu hút và tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển du lịch tại Bình Thuận.  

Để tạo điểm nhấn, dựa vào tiềm năng, cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận tập trung phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, bền vững. Bình Thuận tập trung đầu tư xây dựng quy chuẩn điểm đến Mũi Né (TP Phan Thiết) với cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch xanh, làm điểm từ đó tạo lan tỏa trong toàn tỉnh, từ mỗi huyện, thị xã phải có sản phẩm du lịch mới đặc trưng. 

Bên cạnh đó, Bình Thuận đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, trong đó chú trọng giới thiệu hình ảnh Bình Thuận là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với du khách. Địa phương kết hợp khai thác các tiềm năng, lợi thế về giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, sản phẩm độc đáo, ẩm thực đặc trưng vùng biển gắn với chú trọng đảm bảo môi trường, an ninh, trật tự, an toàn và quyền lợi của khách du lịch cùng với nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch.

Bình Thuận chủ động liên kết với các địa phương, gắn kết với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành trong cả nước để xây dựng các tour du lịch. Các khu du lịch không ngừng làm mới thông qua đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, điểm vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, tạo hứng khởi, hấp dẫn cho du khách.

Kết thúc kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025, Bình Thuận đã đón trên 85.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, với công suất phòng bình quân đạt trên 80%.

Chuẩn bị đón du khách kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay, Bình Thuận đã chủ động tổ chức các gian hàng tham gia Ngày hội Du lịch tại TP Hồ Chí Minh và kết nối, quảng bá, xây dựng các tour du lịch giữa Bình Thuận với các địa phương trong cả nước.

Bài và ảnh: Duy Nguyễn

Báo Quân đội Nhân dân – qdnd.vn – Đăng ngày 13/4/2025

Quảng Ninh: Hướng tới trung tâm du lịch golf phía Bắc

Du lịch golf – loại hình kết hợp thể thao, nghỉ dưỡng và khám phá – ngày càng phát triển mạnh tại Việt Nam. Với lợi thế cảnh quan đẹp, hạ tầng hiện đại và dịch vụ cao cấp, Quảng Ninh đang nổi lên như điểm đến sáng giá, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch golf cao cấp của phía Bắc.

Thời gian gần đây, bức tranh du lịch golf tại Quảng Ninh ghi nhận nhiều chuyển động tích cực. Đầu năm 2025, sân golf Silk Path – sân đầu tiên tại TP Đông Triều – chính thức đi vào hoạt động, nâng tổng số sân golf toàn tỉnh lên 4. Dù mới khai trương, sân đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là nhóm khách cao cấp. Theo đại diện quản lý sân thì đơn vị đã ký kết hợp tác chiến lược với Hiệp hội Golf chuyên nghiệp Mỹ (PGA), hướng tới đào tạo golf chuyên nghiệp và tổ chức các giải đấu khu vực, quốc tế trong tương lai gần.

Quảng Ninh hiện có hệ thống sân golf đẹp, có sức hấp dẫn golf thủ và du khách

Hiện Quảng Ninh có bốn sân golf: Silk Path, Tuần Châu, FLC Hạ Long và Vĩnh Thuận – mỗi sân mang đặc trưng địa hình và độ thử thách riêng. Theo các golfer, các sân có độ khó cao, hấp dẫn người chơi đam mê kỹ thuật. Sân Vĩnh Thuận – giáp biên giới – nổi bật với hố sâu 2,5m phải dùng thang để đánh bóng. Một số sân khác có hố nằm giữa hồ hoặc dài hàng chục yard, đòi hỏi kỹ thuật cao, tạo nên sức hút riêng biệt với giới chơi golf chuyên sâu.

Nắm bắt xu hướng du lịch golf, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động khai phá tiềm năng. Đáng chú ý, đã có doanh nghiệp, tuy không nhiều, đã quan tâm loại hình du lịch này từ sớm, nhanh chóng xây dựng sản phẩm chuyên biệt. Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hòn Gai – chi nhánh Quảng Ninh là đơn vị tiên phong từ năm 2020, đã xây dựng các tour golf trọn gói với giá ưu đãi nhờ liên kết chặt chẽ với sân golf, khách sạn, nhà hàng và đơn vị vận chuyển. Theo ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc công ty, sản phẩm hướng đến nhóm khách chuyên nghiệp hoặc gia đình, kết hợp chơi golf và nghỉ dưỡng.

Theo xu hướng trên, nhiều khu du lịch cao cấp tích hợp yếu tố golf như FLC Hạ Long – nơi hội tụ sân golf, khách sạn, villa, du thuyền 5 sao, spa… mang đến trải nghiệm trọn gói. Tại sân Vĩnh Thuận, du khách có thể lựa chọn tour combo từ 3,6 triệu đồng bao gồm 2 vòng golf, nghỉ dưỡng 5 sao và khám phá văn hóa bản địa.

Các doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh cũng tích cực mở rộng hợp tác, kết nối thị trường nước ngoài. Du lịch Hòn Gai đang đàm phán, ký kết hợp tác với đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan để đón khách theo hình thức charter (thuê chuyến). Đại diện FLC miền Bắc cho biết, đơn vị đang liên kết với doanh nghiệp quốc tế đưa khách Hàn Quốc, Nhật Bản đến Quảng Ninh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – một lợi thế lớn của tỉnh.

Cũng theo đại diện sân golf Silk Path, ngoài đảm bảo chất lượng sân, các đơn vị vận hành như Silk Path chú trọng phát triển hệ sinh thái dịch vụ cao cấp như nhà hàng sang trọng, khu nghỉ dưỡng quốc tế, spa, giải trí… nhằm mang đến trải nghiệm toàn diện cho nhóm khách chi tiêu cao. Đây được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược nâng tầm thương hiệu “du lịch golf Quảng Ninh”.

Sân golf Vĩnh Thuận, một trong những sân golf đặc sắc, hấp dẫn du khách, golf thủ trong nước và quốc tế về khám phá

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển 22 sân golf tại các trung tâm du lịch lớn như Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái… Qua đó, hướng tới hình thành hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế, tạo động lực phát triển du lịch golf, loại hình hướng tới dòng khách cao cấp, đưa Quảng Ninh trở thành 1 trong những trung tâm du lịch golf của phía Bắc.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch golf cao cấp và điểm đến tổ chức các giải đấu quốc tế, Quảng Ninh cần tiếp tục đầu tư đồng bộ vào hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp tiêu chuẩn sân theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện môi trường; đồng thời hoàn thiện chuỗi dịch vụ bổ trợ, xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sân golf – lữ hành – lưu trú – vận chuyển – điểm đến. Việc quảng bá bài bản, định vị rõ thương hiệu, cùng chiến lược dài hạn sẽ là yếu tố quyết định đưa “du lịch golf Quảng Ninh” vươn xa trên bản đồ quốc tế.

Hà Phong

Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.vn – Đăng ngày 13/4/2025

Chờ đợi sự khác biệt tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 diễn ra từ ngày 31/5 đến 12/7 với chủ đề “Đà Nẵng – Kỷ nguyên mới” (Danang – The new rising era), có sự tham gia của nhiều đội pháo hoa mới, hứa hẹn sẽ là một mùa DIFF hấp dẫn, lôi cuốn trong mùa hè này.

DIFF 2025 có sự tham gia của nhiều đội pháo hoa mới, hứa hẹn sẽ có nhiểu bất ngờ, hấp dẫn trong mùa lễ hội năm nay. Trong ảnh: Màn trình diễn pháo hoa tại DIFF 2024. Ảnh: Song Khuê

Tăng số đội tham gia, số đêm trình diễn

Theo thông tin từ ban tổ chức, DIFF 2025 có nhiều điểm khác biệt. Đây cũng là năm đầu tiên nước chủ nhà Việt Nam có 2 đại diện tham dự. Bên cạnh cái tên quen thuộc là đội pháo hoa Đà Nẵng (Danang Fireworks team) tham gia DIFF từ 2008 đến nay, Việt Nam có thêm đội pháo hoa đến từ Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 – Bộ quốc phòng (Z121 Vina Pyrotech – Vietnam Ministry of Defence). DIFF năm nay có quy mô lớn với 6 đêm trình diễn và sự tham gia của 10 đội pháo hoa: Việt Nam (2 đội), Phần Lan, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hàn Quốc, Ý, Canada, Trung Quốc.

Đêm khai mạc DIFF 2025 dự kiến diễn ra tối 31/5 là màn tranh tài của hai đội Việt Nam 1 và Phần Lan với chủ đề “Tinh hoa văn hóa”. Các đêm pháo hoa sau đó tổ chức vào mỗi tối thứ Bảy trong các tuần kế tiếp lần lượt là các đội pháo hoa: Việt Nam 2 – Ba Lan (07/6) với chủ đề “Nghệ thuật sáng tạo”; Canada – Trung Quốc (14/6) với chủ đề “Hành trình kết nối”; Bồ Đào Nha – Anh (21/6) với chủ đề “Phát triển bền vững”; Hàn Quốc – Ý (28/6) với chủ đề “Công nghệ dẫn lối” và đêm chung kết (12/7) với chủ đề “Đón kỷ nguyên mới”.

Trưởng ban Marketing, Tập đoàn Sun Group Cao Ngân Hà cho biết, DIFF năm nay không chỉ có những màn trình diễn pháo hoa ấn tượng mà còn mang đến cho du khách những trải nghiệm kết hợp giữa nghệ thuật, âm nhạc, thể thao và sáng tạo công nghệ. Theo đó, mỗi đêm sẽ là một buổi hòa nhạc trực tiếp sôi động với sự tham gia của các nghệ sĩ, thần tượng âm nhạc nổi tiếng trong nước và quốc tế, kết hợp pháo hoa, âm nhạc và công nghệ hiện đại. Năm nay, ban tổ chức đưa vào ứng dụng Sun Paradise Land, với ứng dụng này du khách có thể cá nhân hóa lịch trình du lịch Đà Nẵng, mua vé xem pháo hoa, vé vào cửa các trung tâm giải trí lớn hay bình chọn đội chiến thắng mỗi đêm trình diễn để nhận quà may mắn… Đặc biệt, công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường) lần đầu tiên được tích hợp vào ứng dụng, cho phép du khách ở mọi nơi đều có thể hòa mình vào bầu trời pháo hoa Đà Nẵng với những hiệu ứng độc đáo, tạo độ lan tỏa mạnh mẽ.

Kỳ vọng mùa DIFF 2025

DIFF 2024 Đà Nẵng đón hơn 1,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (trong hơn 1 tháng diễn ra), tăng 60% so với kỳ DIFF 2023. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành trong tháng 6/2024 đạt 16.344 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023. Điều này cho thấy sức hút lớn của DIFF đối với sự phát triển chung của thành phố.

Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Hồ Thanh Tú cho biết, Hiệp hội Du lịch thành phố và các hội thành viên đang có kế hoạch tăng tour, tuyến kích cầu để thu hút khách trong mùa DIFF 2025 nói riêng, dịp hè nói chung, đồng thời xây dựng thêm các gói dịch vụ, tham quan, vui chơi giải trí kết hợp với các chuỗi sự kiện trong mùa hè để gia tăng trải nghiệm của du khách đến Đà Nẵng. Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Sun Group vùng miền Trung Huỳnh Nam Thắng cho hay, qua 12 năm diễn ra, DIFF thực sự trở thành một lễ hội mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng, đưa nơi đây trở thành “thành phố pháo hoa”, một danh hiệu đáng quý mà không phải điểm đến nào cũng làm được. DIFF đã góp phần đưa tên tuổi Đà Nẵng ngày càng vươn xa hơn trên trường quốc tế và trở thành tâm điểm du lịch hấp dẫn tầm cỡ khu vực và thế giới vào mỗi dịp hè. Với chủ đề “Đà Nẵng – Kỷ nguyên mới”, DIFF 2025 hứa hẹn không chỉ là mùa pháo hoa dài nhất, lớn nhất trong lịch sử DIFF với số đêm trình diễn và đội tham gia nhiều nhất từ trước đến nay mà còn hướng đến những trải nghiệm đỉnh cao, đầy cảm xúc cho khán giả nhờ sự sáng tạo đột phá về công nghệ kết hợp với những màn trình diễn nghệ thuật, âm nhạc, thể thao ấn tượng. Bên cạnh việc chuẩn bị các hạng mục cho DIFF 2025, Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) đang lên kế hoạch cho chuỗi các sự kiện đồng hành, các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Đà Nẵng trong năm 2025.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, để đồng hành DIFF 2025, thành phố chuẩn bị nhiều sản phẩm mới và hoạt động đặc sắc để phục vụ người dân địa phương và du khách như Bảo tàng Đà Nẵng, khu di tích Hải Vân Quan, cùng với đó là chuỗi các lễ hội sự kiện đặc sắc chào mừng 50 năm giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; các chuỗi sự kiện mùa hè, các sự kiện đồng hành… Bên cạnh đó, thành phố liên tục có các lễ hội sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch xuyên suốt trong năm để đem lại không khí lễ hội sôi động và những trải nghiệm đáng giá cho du khách. Để thu hút khách trong mùa DIFF 2025, ngành du lịch thành phố tăng cường các hoạt động truyền thông trong và ngoài nước thông qua các đơn vị lữ hành, các cơ quan báo chí quốc tế, cũng như mạng xã hội, đặc biệt là trên các trang mạng được yêu thích của các thị trường trọng điểm.

Song Khuê

Báo Đà Nẵng Online – baodanang.vn – Ngày 14/4/2025

Thái Nguyên chuyển mình thành điểm đến du lịch MICE

Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến du lịch MICE hấp dẫn, khi những trung tâm hội nghị hiện đại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, chuỗi dịch vụ chuyên biệt liên tục được đầu tư, nâng tầm trải nghiệm cho du khách.

Thái Nguyên đã khai thác hiệu quả văn hóa trà để tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo.

Điểm đến đầy tiềm năng

Ông Lê Ngọc Linh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích trồng chè, Thái Nguyên đã khai thác hiệu quả văn hóa trà để tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo: từ tour tham quan vùng chè Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Phú Lương đến các chương trình nghệ thuật thưởng trà, ẩm thực trà với 153 món ăn chế biến từ nguyên liệu chè.

Thái Nguyên còn đầu tư xây dựng không gian lưu trú gắn với trà, tổ chức gala dinner trong khung cảnh đồi chè thơ mộng, các hoạt động hóa thân thành “trà nương” giúp du khách được đắm mình trong không gian tràn ngập sắc hương của những cây chè. Tất cả đang tạo nên một hệ sinh thái du lịch trà bài bản, đậm chất văn hóa và ngày càng chuyên nghiệp.

Đặc biệt, việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khôi phục tuyến tàu Hà Nội – Thái Nguyên, khai trương vào ngày 26/4, hứa hẹn mang lại làn gió mới cho du lịch “xứ trà”.

“Các đoàn tàu được trang trí theo chủ đề trà, kết hợp trưng bày sản phẩm OCOP tại nhà ga, hình thành sản phẩm ‘tàu trà đạo’ – một trải nghiệm chưa từng có tại miền Bắc. Từ ga Lưu Xá, du khách dễ dàng đến thăm hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa hay các làng chè trứ danh, tận hưởng trọn vẹn tinh hoa đất trà trong hành trình ngắn ngày, nhưng giàu cảm xúc”, ông Nguyễn Chính Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay.

Thái Nguyên xác định rõ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là cầu nối văn hóa và động lực phát triển bền vững. Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, với lợi thế chỉ cách Hà Nội hơn 80 km, giao thông kết nối thuận lợi, Thái Nguyên đủ khả năng đón các đoàn khách lớn, các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô hàng ngàn người.

Tỉnh Thái Nguyên đang đồng bộ hóa hạ tầng du lịch với hàng loạt trung tâm hội nghị mới, khách sạn 4 – 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp như Flamingo Đại Từ (dự kiến khai trương năm 2026), các sân golf tiêu chuẩn quốc tế, sân vận động mới được khánh thành…

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng không ngừng làm mới sản phẩm, đa dạng hóa trải nghiệm. Các tour nửa ngày, 1 ngày, 2 ngày 1 đêm phục vụ khách công vụ, chuyên gia, học sinh, sinh viên, đoàn thể ngày càng phổ biến. Từ hội họp trong khán phòng, du khách có thể di chuyển dễ dàng ra không gian thiên nhiên để nghỉ dưỡng, tổ chức teambuilding, thưởng trà hay tham gia hoạt động văn hóa bản địa như xem võ thuật cổ truyền, tham quan làng Thái Hải – ngôi làng đạt danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”.

“Sự linh hoạt, kết hợp khéo léo giữa công việc và giải trí là “chìa khóa vàng” để Thái Nguyên bứt phá trong thị trường du lịch MICE ở miền Bắc vốn cạnh tranh khốc liệt”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

Liên kết để tạo “đòn bẩy”

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, du lịch Thái Nguyên muốn phát triển mạnh mẽ không thể “đi một mình”, mà cần sự liên kết chặt chẽ, trước hết là với Thủ đô Hà Nội.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, Thái Nguyên là “viên ngọc mới” của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa phía Bắc. Sự kết nối giữa 2 địa phương thông qua các tuyến cao tốc, đường sắt không chỉ mở ra cơ hội khai thác dòng khách ngắn ngày, mà còn thúc đẩy phát triển các tour du lịch liên kết theo chủ đề: “Từ trái tim Thủ đô đến xứ trà đậm đà bản sắc”, “Hành trình văn hóa – lịch sử vùng trung du” hay “Trải nghiệm MICE trong thiên nhiên trà xanh”.

Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Thái Nguyên trong tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch, khảo sát sản phẩm mới, đưa doanh nghiệp lữ hành khám phá tiềm năng vùng đất trung du. Các sự kiện lớn trong năm như Lễ hội Quà tặng Du lịch, Festival Thu Hà Nội, Lễ hội Áo dài Du lịch… cũng là dịp để Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm độc đáo tới hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, Thái Nguyên có tiềm năng rất lớn về MICE, đặc biệt, nơi đây đang là “đại bản doanh” của các tập đoàn lớn như Samsung và hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh. “Nếu khai thác tốt dòng khách chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại các khu công nghiệp, đồng thời đầu tư nguồn nhân lực chất lượng, dịch vụ an toàn, thân thiện, thì chỉ riêng nguồn khách này đã đủ để duy trì một thị trường khách quốc tế ổn định và lâu dài”, ông Dũng nhận định.

Từ đó, ông Dũng đề xuất tỉnh Thái Nguyên nên tổ chức thêm các giải thể thao, lễ hội trà, sự kiện cộng đồng quy mô lớn để “kích hoạt” cả hệ sinh thái du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh mô hình tàu charter, liên minh các doanh nghiệp gom khách cho chuyến tàu chuyên biệt như “tàu trà đạo”, vừa tạo sản phẩm mới, vừa quảng bá hình ảnh “xứ trà” một cách sống động, hiệu quả.

Điều đáng mừng là, chính quyền và doanh nghiệp du lịch Thái Nguyên đều đang thể hiện quyết tâm cao trong việc chuyên nghiệp hóa và đổi mới. “Chúng tôi xác định phát triển du lịch không chỉ là xây nhà nghỉ, làm tour, mà còn là làm văn hóa, kể chuyện bản địa, tạo cảm xúc cho du khách”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

Năm 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách, gần gấp đôi so với năm trước. Đây là con số thách thức, nhưng hoàn toàn khả thi nếu tỉnh duy trì đà tăng trưởng trên 30% như năm 2024, đồng thời tiếp tục đầu tư đồng bộ từ hạ tầng đến con người.

Hồ Hạ

Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn – Đăng ngày 13/4/2025

Tạo đà tăng trưởng du lịch Bình Định

Với những sự kiện tỉnh Bình Định tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (31/3/1975 – 31/3/2025), nhất là việc triển khai những chuyến tàu, toa tàu miễn phí, tạo thêm tour du lịch mới… một lượng lớn du khách đã đổ về Bình Ðịnh, tạo đà thúc đẩy du lịch địa phương tăng trưởng.

Mở hướng phát triển du lịch đường sắt

Từ ngày 28 – 31/3, Bình Định đón hơn 1.000 du khách từ TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đến tham quan bằng những chuyến tàu/toa tàu charter (thuê nguyên chuyến, nguyên toa tàu) chở du khách miễn phí về thăm Đất Võ.

Bình Định mở hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sắt.  Ảnh: Đoan Ngọc

Anh Mai Trung Kiên, du khách đi từ TP Hà Nội đến ga Diêu Trì, chia sẻ: “Tôi đi ngang Bình Định nhiều lần, nhưng lần này mới thực sự đến đây để trải nghiệm du lịch. Không chỉ cho du khách đi tàu hỏa miễn phí, các anh em làm du lịch ở Bình Định còn phối hợp rất tốt với ngành đường sắt để tư vấn, hỗ trợ lo mọi điều kiện rất chu đáo cho du khách đi tàu, để lại nhiều ấn tượng đẹp về người Bình Định”.

Cùng chung cảm xúc háo hức khi lần đầu tiên du lịch đến Bình Định bằng tàu hỏa miễn phí, chị Đỗ Thị Quý, du khách đi từ TP Hồ Chí Minh đến ga Quy Nhơn, vui vẻ nói: “Mới xuống ga Quy Nhơn tôi được mọi người chào đón vui vẻ, thân tình khiến tôi rất yên tâm và xúc động. Tôi thấy nhiều thông tin nói người Bình Định rất thân thiện, nay mới cảm nhận thực tế. Chắc chắn sau chuyến đi này, tôi sẽ trở lại Bình Định nhiều lần nữa”.

Nhiều lần đưa du khách đến trải nghiệm Quy Nhơn – Bình Định và lần này được trải nghiệm du lịch bằng tàu hỏa miễn phí, ông Trương Công Thành, Giám đốc Công ty Phi Long Travel – Chi nhánh Đà Nẵng, chia sẻ: “Tôi rất vui vì được hội ngộ, gắn kết với nhiều người làm du lịch trong nước trên hành trình du lịch bằng tàu hỏa. Về đây lại được trải nghiệm với những khám phá mới mẻ, nhất là đến Cồn Chim. Theo tôi, Bình Định vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác thúc đẩy phát triển tour du lịch inbound (tour du lịch dành cho du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm)”.

Việc mở hướng phát triển du lịch đường sắt của Bình Định sẽ tạo ra một hành trình du lịch hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo ông Hà Trọng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt, để tạo sản phẩm du lịch bằng tàu hỏa đến Bình Định, nên khai thác thêm chuyến tàu hỏa du lịch từ ga Quy Nhơn đến ga Diêu Trì và ngược lại. Bởi tuyến đường sắt Quy Nhơn – Diêu Trì dài 10 km là tuyến đường nhánh hiện nay mỗi ngày chỉ có một đôi tàu khách SE29, SE30 (tuyến Sài Gòn – Quy Nhơn) hoạt động, do đó năng lực chạy tàu còn dư thừa rất phù hợp với khai thác tàu hỏa du lịch.

Tạo đà du lịch tăng trưởng

Chi hội Lữ hành thuộc Hiệp hội Du lịch Bình Định tổ chức hai tour giá ưu đãi với chủ đề “Hành trình sử thi” và “Tinh hoa Đất Võ” được thiết kế dành riêng cho chương trình du lịch bằng tàu hỏa miễn phí. Đây là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Bình Định thông qua việc đưa du khách đến trải nghiệm các di tích lịch sử, văn hóa; danh thắng, điểm đến ở Bình Định.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan – Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Golden Life, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành, cho biết: “Những chuyến tàu hỏa du lịch miễn phí vé do tỉnh tổ chức là cú hích khuyến khích cho các DN du lịch trong tỉnh tiếp tục tạo thêm sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, nhất là mùa du lịch hè sắp tới, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Bình Định phát triển hơn”.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục làm mới sản phẩm du lịch hiện có như: Du lịch biển, đảo; trải nghiệm lịch sử, văn hóa, thể thao; du lịch MICE và khám phá khoa học; du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái và tạo thêm các sản phẩm, tour tuyến du lịch mới để thu hút du khách về Bình Định, nhất là du khách nước ngoài.

Trong bối cảnh hiện nay, các điểm đến trong khu vực và trên thế giới đang triển khai nhiều biện pháp vừa tạo thuận lợi thu hút du khách, để nâng cao năng lực cạnh tranh, du lịch Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng buộc phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Và với cách làm như vừa diễn ra, có thể nói Bình Định đã giới thiệu một hướng đi sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Du lịch đường sắt được xem là sản phẩm mới để tăng trải nghiệm, thêm sự lựa chọn cho du khách về Bình Định. Năm nay, Bình Định phấn đấu thu hút 10 triệu lượt khách, để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá, liên kết phát triển du lịch. Đặc biệt tỉnh sẽ tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế để tăng sức hút du khách, nhất là du khách quốc tế”.

• Trong 3 tháng đầu năm nay, Bình Định đón hơn 3,3 triệu lượt khách (trong đó, có hơn 29.000 lượt khách quốc tế), tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2024; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.• “Bình Định cần có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đường sắt như chính sách thu hút du lịch MICE của tỉnh đã ban hành; nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối tour du lịch tàu hỏa với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tăng cường quảng bá du lịch, tổ chức sự kiện lớn để thu hút khách du lịch; chú trọng bồi dưỡng nhân lực, chuyển đổi số trong ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…” – Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đoan Ngọc

Báo điện tử Bình Định – baobinhdinh.vn – Đăng ngày 06/4/2025

Quảng Ninh: Cô Tô sôi động các hoạt động du lịch hè

Cô Tô (Quảng Ninh) đang chuẩn bị đón mùa du lịch hè 2025 với các sản phẩm mới và trải nghiệm hấp dẫn. Các tour khám phá đảo, hoạt động thể thao biển, giải trí đêm và sáng kiến du lịch xanh, hứa hẹn mang đến một mùa hè sôi động, thu hút du khách.

Theo kế hoạch phát triển du lịch, năm 2025, Cô Tô đặt mục tiêu đón 300.000 lượt khách, đạt doanh thu cao, thu hút các nhà đầu tư. Huyện tập trung phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường, nâng cấp hạ tầng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. 

Bà Ngô Thị Minh Sao, Phó Phòng VH, DL&KHCN huyện Cô Tô, cho biết: Cô Tô đang chuẩn bị cho mùa du lịch 2025 với mục tiêu phát triển du lịch sôi động và bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng du lịch xanh, kết hợp phát triển kinh tế du lịch với bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và lâu dài cho du khách.

Các đơn vị doanh nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất đón khách du lịch tham quan bãi Hồng Vàn mùa du lịch hè 2025

Theo đó, để chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2025, Cô Tô đã triển khai chiến dịch quảng bá và truyền thông sớm, với nhiều hoạt động sôi động kích cầu du khách. Các kênh truyền thông số và chiến dịch trực tuyến được đẩy mạnh, đặc biệt là website Cototourist.com và Amazingcoto.vn, giúp cung cấp thông tin phong phú về điểm đến và các hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức và thu hút du khách.

Để tăng sức hấp dẫn và tạo sự mới mẻ, Cô Tô mở rộng không gian du lịch, triển khai các tour tham quan đảo với 6 lộ trình tour thí điểm. Những điểm đến như Cảng Cô Tô, hòn Cá Chép, hòn Sư Tử, Cô Tô Con, và Cảng Thanh Lân hứa hẹn sẽ thu hút du khách yêu thiên nhiên và thể thao biển. Các hoạt động thể thao dưới nước như chèo kayak, lướt sóng, dù kéo, chèo sup tại bãi biển Hồng Vàn và Tình Yêu đang được quan tâm thúc đẩy.

Không chỉ phát triển sản phẩm riêng lẻ, Cô Tô còn chú trọng thúc đẩy sự liên kết giữa các điểm đến trong khu vực. Các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng kế hoạch du lịch năm 2025, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong khu vực. Thanh Lân đã tổ chức Lễ hội Mở cửa biển và giới thiệu các điểm tham quan như cầu Vạn La, Miếu thờ thôn 2, trong khi thị trấn Cô Tô xây dựng kế hoạch và tổ chức giải đua thuyền kayak. Những sự kiện này sẽ là dấu ấn mới thu hút du khách quay lại Cô Tô mỗi năm.

Phát triển, làm mới sản phẩm du lịch giữa các đảo ở Cô Tô hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm

Để đa dạng hóa trải nghiệm, Cô Tô phát triển các hoạt động giải trí về đêm như chợ đêm, khu vui chơi, sự kiện thể thao và chương trình biểu diễn văn hóa, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng doanh thu. Chợ đêm và các hoạt động thương mại tại khu Trung tâm Dịch vụ thương mại sẽ tạo ra không gian kết nối du khách với các sản phẩm đặc trưng của Cô Tô, từ đồ thủ công mỹ nghệ đến đặc sản vùng đảo.

Cô Tô đặc biệt chú trọng phát triển du lịch xanh. Chương trình “Net Zero tour” là sáng kiến nổi bật, giảm thiểu khí carbon từ vận chuyển, lưu trú đến ăn uống, bảo vệ môi trường và mang lại trải nghiệm mới cho du khách. Đồng thời, huyện cũng phát triển các sự kiện thể thao, văn hóa để thu hút du khách. Các giải thể thao biển như bóng chuyền bãi biển và Pickleball sẽ được tổ chức thường xuyên, tạo không khí sôi động, hấp dẫn.

Một điểm mới trong mùa du lịch 2025 là việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng du lịch. Cô Tô đã cải tạo nhà chờ, cảng bến, nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng và giao thông nội bộ trên đảo. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn cũng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu du khách. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, Cô Tô đảm bảo giám sát chặt chẽ, niêm yết giá công khai, xử lý nghiêm gian lận thương mại và ép giá. Huyện cũng triển khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, bảo vệ quyền lợi du khách.

Du khách tới Cô Tô có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt khi mùa du lịch hè đang đến gần

Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2025, Cô Tô đã đón hơn 10.000 lượt khách, một con số đáng khích lệ khi mùa du lịch chính thức chưa bắt đầu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sản phẩm du lịch mới mẻ, cơ sở hạ tầng nâng cấp, môi trường du lịch an toàn, Cô Tô đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu và trở thành điểm đến hấp dẫn, bền vững, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hà Phong

Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.vn – Đăng ngày 07/4/2025

Thái Nguyên triển khai chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025

(TITC) – UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về việc triển khai các hoạt động kích cầu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo kế hoạch, Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 250.000 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu từ du lịch dự kiến đạt 3.500 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tập trung đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm du lịch, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành và doanh nghiệp để xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Du khách trải nghiệm vùng chè Thái Nguyên. Ảnh: TITC

UBND tỉnh nhấn mạnh việc phát huy tối đa tiềm năng du lịch, gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa. Sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp được xem là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Một số nội dung trọng tâm được đề ra bao gồm: Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên, mời gọi đầu tư, hợp tác và liên kết phát triển. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc trưng và trải nghiệm, gắn với tài nguyên bản địa và thị hiếu thị trường. Chú trọng sản phẩm du lịch văn hóa Trà, khai thác thế mạnh ẩm thực địa phương và sản phẩm OCOP để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng tầm thương hiệu du lịch Thái Nguyên. Phát triển tuyến du lịch đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên, kết nối hiệu quả với các điểm đến trong tỉnh. Đầu tư phát triển du lịch đêm, như phố đêm, chợ đêm, dịch vụ văn hóa – giải trí, nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Hỗ trợ mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, Homestay, Farmstay, đạt tiêu chí OCOP từ 3 đến 4 sao. Tổ chức workshop trải nghiệm chế biến và thưởng thức trà, quảng bá giá trị Trà Thái Nguyên, gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Trà, bao gồm: du lịch tâm linh, lịch sử, cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE và khám phá hang động. Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch và ứng dụng công nghệ số trong xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh cũng được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm cho khách du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch

Đà Nẵng: Sản phẩm du lịch đa dạng, hướng đến chiều sâu

Đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng sản phẩm có chiều sâu, phù hợp nhu cầu của từng thị trường khách đang được ngành du lịch thành phố Đà Nẵng hướng đến nhằm khai thác tối đa tài nguyên, nền tảng sẵn có.

Nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức liên tục trong năm khiến điểm đến Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn. Ảnh: Ngọc Hà

Nổi trội với nhiều sản phẩm

Theo đánh giá của các đơn vị dịch vụ du lịch, lữ hành, vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ có thế mạnh về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, tiềm năng du lịch biển đảo, sinh thái và du lịch văn hóa. Do đó, những địa phương được đầu tư hệ thống sản phẩm du lịch bài bản, nổi trội mới có khả năng giữ chân khách du lịch. Đối với Đà Nẵng, năm 2025, ngành du lịch có khá nhiều thuận lợi khi thương hiệu du lịch và sức hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng tiếp tục được minh chứng thông qua nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế uy tín về du lịch cùng với sự yêu thích lựa chọn của du khách. Thành phố tiếp tục thu hút và tổ chức nhiều sự kiện lễ hội lớn.

Trong tháng 3/2025 có chuỗi hơn 30 hoạt động chính và đồng hành nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố (28/3/1930 – 28/3/2025) và 50 năm ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025) như bắn pháo hoa, diễu hành xe hoa – thuyền hoa, triển lãm “Đà Nẵng – 50 năm phát triển và hội nhập”; khánh thành Bảo tàng Đà Nẵng tại địa điểm mới; lễ hội Đà Nẵng Food Tour. Trong các tháng tới sẽ có nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế diễn ra như: Đại hội Du lịch golf châu Á, DIFF 2025, Liên hoan phim châu Á, lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng, IRONMAN 70.3 Viet Nam; Lễ hội Vietnam – Asean; lễ hội bóng đá Việt Nam – Anh Quốc 2025 – “Sắc đỏ huyền thoại”…

Theo nhìn nhận của ông Peter Walton, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf thế giới, Đại hội Du lịch golf châu Á 2025 thu hút hơn 450 đại biểu, vượt xa con số 340 đại biểu của AGTC 2024 tại Abu Dhabi. Điều này khẳng định sức hút của thành phố – điểm đến của các sự kiện; ngoài ra cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại cũng là điểm cộng. “Khi lần đầu tiên mang AGTC đến Đà Nẵng vào năm 2017, chỉ có 4 sân golf tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam. Chúng tôi đã kỳ vọng rằng thành công của sự kiện sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch golf tại đây. Tám năm sau, chúng tôi trở lại và chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với 8 sân golf đẳng cấp quốc tế”, ông Peter Walton nói.

Du khách trải nghiệm khám phá các hoạt động trên địa bàn thành phố. Ảnh: Ngọc Hà

Hướng đến chuyên sâu cho từng thị trường khác nhau

Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương lân cận ngày càng có chiến lược thúc đẩy du lịch mạnh mẽ. Vì thế, ngành du lịch thành phố phải xây dựng sản phẩm chủ lực, sản phẩm phụ trợ đủ sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Visit Indochina, nêu dẫn chứng với sản phẩm giải trí, thành phố đang có thay đổi tích cực.

“Tôi làm du lịch nên có điều kiện được xem nhiều show diễn thực cảnh trong cả nước và nước ngoài. Lần này được xem Show Tiên Sa mới khai trương gần đây tại Đà Nẵng thấy có nhiều ấn tượng thú vị. Show diễn 60 phút khá hay, giới thiệu thiên nhiên, sự vật, con người, văn hóa Đà Nẵng, thu hút người xem từ phút mở màn đến kết thúc. Nếu chấm điểm các show diễn thực cảnh trên cả nước thì cá nhân tôi có thể xếp hạng sau: Ấn tượng Hội An (Hội An), À ố show (Hội An & TP. Hồ Chí Minh), Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội), Tiên Sa Show (Đà Nẵng), Rối Mơ (Nha Trang), Tinh hoa Việt Nam (Phú Quốc), Da Nang charming (Đà Nẵng). Show diễn phục vụ cho tất cả đối tượng. Tuy nhiên, cần khảo sát kỹ hơn về sự cảm nhận nghệ thuật của từng khách mang quốc tịch khác nhau để có điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng nhiều nguồn khách quốc tế khác nhau tại Đà Nẵng”, ông Thủy nói.

Trao đổi thêm về điều này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, ngành du lịch tăng cường khai thác các thị thường khách du lịch tiềm năng để đa dạng hóa nguồn khách, tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ; đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch và điểm đến phù hợp từng thị trường khách.

Theo thông tin từ Hiệp hội các công ty lữ hành Nga (ATOR), làn sóng du khách Nga đến Việt Nam tăng đột biến, không chỉ trong mùa thu và mùa đông, mà còn vào cả các ngày lễ tháng 5 và mùa hè. “Đà Nẵng đón đầu thị trường khách Nga, Đông Âu, Trung Đông và có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ven biển với hàng loạt resort, khách sạn cao cấp ở bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Non Nước, bán đảo Sơn Trà; các điểm du lịch như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Hills, phố cổ Hội An; các sân golf cao cấp như Legend Danang Golf Resort, Ba Na Hills Golf Club, Montgomerie Links Golf Club.

Đà Nẵng có các resort biệt lập ven biển phù hợp xu hướng nghỉ dưỡng cao cấp của khách Trung Đông; các trung tâm thương mại lớn như Vincom Plaza, Lotte Mart phục vụ nhu cầu mua sắm các sản phẩm hàng hiệu, đá quý, trang sức…”, bà Hạnh cho biết.

Ngọc Hà

Báo Đà Nẵng Online – baodanang.vn – Ngày 03/4/2025

Sôi động, tự hào với Cà Mau – Ðiểm đến 2025

Tháng 4/2025, tại Cà Mau sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hoá chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc (30/4/1975 – 30/4/2025). Những hoạt động này không chỉ khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phục vụ phát triển kinh tế.

“Năm 2025 là năm mang nhiều ý nghĩa về chính trị và xã hội, đồng thời khơi gợi những cảm xúc sâu sắc về sự đổi thay bước ngoặt của quê hương, đất nước. Theo đó, các sự kiện trong khuôn khổ Cà Mau – Ðiểm đến 2025 cần được đầu tư nâng tầm quy mô, nâng cao chất lượng và có điểm nhấn ấn tượng” – ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết..

Đa dạng hoạt động “Cà Mau – Ðiểm đến 2025”

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, theo kế hoạch, từ ngày 01-03/4/2025 sẽ diễn ra chương trình Lễ tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu du lịch Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển). Ðiểm nhấn quan trọng là phần Lễ tri ân Quốc Tổ ngày 03/4/2025 (06/3 âm lịch) với nghi thức truyền thống, trang nghiêm, sẽ là dịp để cộng đồng cùng nhau thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân, đồng thời giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ mai sau.

Ngoài phần lễ trang nghiêm, phần hội sôi nổi với không gian mua sắm và trải nghiệm phong phú với các hoạt động trưng bày sản phẩm OCOP, giới thiệu những sản phẩm tiềm năng đặc trưng của địa phương; hội thi làm bánh truyền thống, trang trí mâm bánh dâng lên Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các hoạt động thể thao sôi động với các môn thi: bóng chuyền hơi nữ, kéo co, nhảy bao bố tiếp sức, sút bóng cầu môn và đá gà ép.

Theo ông Tiết Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, công tác chuẩn bị cho Lễ tri ân Quốc Tổ được triển khai khẩn trương và chu đáo. Các hạng mục trang trí, khánh tiết, vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan đang được hoàn tất để tạo nên không gian lễ hội sạch đẹp và ấn tượng. Công tác đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau lễ được chú trọng.

Cũng theo kế hoạch, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương sẽ diễn ra vào ngày 07/4/2025 (tức 10/3 âm lịch), tại Ðền thờ Vua Hùng, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. Từ ngày 06/4/2025, nơi đây sẽ diễn ra phần hội vui tươi với các trò chơi dân gian (bơi xuồng ba lá, kéo co, nhảy bao bố, đập bong bóng), văn nghệ.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Cà Mau chính thức được đưa vào Chương trình sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến” từ năm 2021. Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau có từ hơn 200 năm trước. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương luôn được các thế hệ cư dân nơi đây tổ chức trang nghiêm, thành kính. Năm 2011, Ðền thờ Vua Hùng Cà Mau đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh.

Đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 24/4/2025, tại Di tích Bến Vàm Lũng (khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) sẽ diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển (bến Vàm Lũng – tỉnh Cà Mau).

Bến Vàm Lũng – Cà Mau là một trong 4 bến chính tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển.

“Đây sẽ là một sự kiện đầy tự hào của quân – dân Cà Mau, đánh dấu một dấu son trong trang sử hào hùng của địa phương, gắn liền với lịch sử đấu tranh của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử” – ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh. Chương trình sẽ khép lại bằng màn bắn pháo hoa rực rỡ, tạo không khí tưng bừng và đầy tự hào.

Buổi lễ còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như ngoại khoá dành cho đoàn viên, học sinh tại Khu di tích bến Vàm Lũng, tạo cơ hội để thế hệ trẻ tìm hiểu và tự hào về truyền thống lịch sử. Bên cạnh đó, sẽ có nghi thức dâng hương và thả hoa trang trọng để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; hoạt động tặng quà tri ân các gia đình có công với cách mạng.

Hoàng Nam

Báo Kinh tế & Đô thị – kinhtedothi.vn – Đăng ngày 02/4/2025

Quảng Nam dành ưu đãi 10 tỷ đồng kích cầu du lịch

Thông tin từ Sở VHTTDL Quảng Nam, ngành du lịch Quảng Nam sẽ dành tổng giá trị ưu đãi tương đương 10 tỷ đồng để kích cầu du lịch năm 2025.

Du khách hào hứng trải nghiệm ở biển Hội An. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Theo đó, chương trình kích cầu với chủ đề “Quảng Nam – Miền xanh di sản” diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11/2025. Chương trình gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 “Quảng Nam – Cảm xúc mùa hè” từ tháng 4 đến tháng 8 và giai đoạn 2 “Mùa vàng xứ Quảng” từ tháng 9 đến hết tháng 11.

Chương trình được Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức và hơn 70 doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đồng hành tham gia.

Nhiều gói sản phẩm du lịch đặc sắc với chính sách giá ưu đãi và các dịch vụ chất lượng sẽ có trong chương trình “Quảng Nam – Miền xanh di sản” như: combo vé máy bay cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí; trải nghiệm sản phẩm du lịch xanh Quảng Nam, trải nghiệm “Cung đường di sản: Hội An – Mỹ Sơn – Cổng trời Đông Giang: Nơi thiên nhiên giao hòa cùng văn hóa”; trải nghiệm làng quê, làng nghề, phố cổ Hội An và lưu trú…

Tour trải nghiệm hành trình khám phá rừng dừa Bảy Mẫu và trải nghiệm ấm thực bản địa có thể ưu đãi lên đến 50% thông qua chương trình kích cầu “Quảng Nam – Miền xanh di sản”. Ảnh: Quốc Tuấn

Đặc biệt trong gói kích cầu sẽ có các chương trình ưu đãi lên đến 50% như: tour trải nghiệm hành trình khám phá rừng dừa Bảy Mẫu và trải nghiệm ẩm thực bản địa; tour khám phá và trải nghiệm làng gốm cổ ven sông và công viên đất nung lớn nhất Việt Nam với Thanh Hà Deluxe Terra Tour; vé xem show Ký ức Hội An; chương trình bay qua miền di sản bằng dù lượn; chương trình nghỉ dưỡng “ở 3 trả tiền 2”; nghỉ dưỡng 2 đêm, đêm thứ 2 giảm giá 50%…

Ngoài ra, nhiều điểm đến độc đáo khác sẽ được đưa vào chương trình kích cầu như: khám phá cung đường uốn lượn qua những bản làng bình yên của người dân tộc Cơ Tu, Ca Dong hay chinh phục những đỉnh núi hùng vĩ như Đỉnh Quế – Tây Giang… Tổng giá trị ưu đãi 10 tỷ đồng.

Chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch “Quảng Nam – Miền xanh di sản” sẽ chính thức được công bố tại Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch và giới thiệu chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến Quảng Nam năm 2025 nhân Ngày hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh 2025 diễn ra ngày 04/4.

Quốc Tuấn

Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn – Đăng ngày 03/4/2025

Tàu hạng sang “Hoa Phượng Đỏ”: Cú hích cho du lịch Hải Phòng – Hà Nội

Tháng 5/2025, tuyến tàu hạng sang “Hoa Phượng Đỏ” chính thức đi vào hoạt động, kết nối Hải Phòng và Hà Nội. Hoạt động này kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ du lịch giữa hai trung tâm kinh tế – văn hóa lớn của miền Bắc.

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Hải Phòng. Ảnh: Thanh Sơn

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, chuyến tàu hạng sang dự kiến khai trương trước ngày 13/5, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng TP. Hải Phòng.

Đoàn tàu mới bao gồm 20 toa xe hiện đại, với 2 toa VIP có nội thất sang trọng cùng 16 ghế sofa đơn, 5 bộ sofa dài. 18 toa còn lại được trang bị 56 ghế xoay linh hoạt, nền lát thảm nhựa cao cấp, thành toa ốp nhựa vân đá và hệ thống đèn LED hiện đại.

Đặt chân lên con tàu “sang chảnh” này, du khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn không gian vừa sang trọng, vừa tiện nghi, từ sàn gỗ tự nhiên êm ái, không gian mở thoáng đãng, đến những giai điệu du dương được trình diễn trực tiếp tại quầy bar sang trọng. Đặc biệt, tàu còn có nhạc công biểu diễn trực tiếp, mang đến sự thư giãn cho hành khách trong suốt hành trình.

“Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là sản phẩm du lịch đường sắt độc đáo, góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho du khách, đồng thời mang đến những trải nghiệm mới lạ, giúp họ khám phá Hải Phòng theo một góc nhìn khác biệt và thú vị hơn”, bà Mai chia sẻ.

Theo đại diện Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt, mức giá vé đang được tính toán để đảm bảo phù hợp với nhiều nhóm khách hàng. Dù chưa công bố mức giá cụ thể, nhưng với những tiện ích mà tuyến tàu này mang lại, nhiều chuyên gia đánh giá, đây sẽ là sản phẩm du lịch cao cấp, có sức hút lớn.

Hải Phòng là cửa ngõ xuất khẩu quan trọng với hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc, còn Hà Nội là trung tâm tài chính và dịch vụ. Việc nâng cao chất lượng xuyên suốt hành trình sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp hai thành phố thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, sự phát triển của tuyến tàu cao cấp cũng sẽ kéo theo nhu cầu về các dịch vụ hỗ trợ, như nhà hàng, khách sạn, vận tải và bán lẻ. Tại khu vực xung quanh ga Hải Phòng, các mô hình kinh doanh mới có thể xuất hiện như quán cà phê, cửa hàng lưu niệm… để phục vụ du khách.

Những năm gần đây, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng thu hút nhiều du khách, đặc biệt là những người muốn trải nghiệm food tour Hải Phòng. Theo thống kê năm 2024, hơn 1,5 triệu lượt khách đã sử dụng tuyến tàu này, tăng so với 1,4 triệu lượt khách của năm 2023. Việc đưa vào khai thác tàu “Hoa Phượng Đỏ” sẽ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng du lịch bằng đường sắt, giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng đang hoàn thiện thủ tục công nhận Ga Hải Phòng là điểm du lịch, điểmcheck-in và nâng cao trải nghiệm cho du khách ngay từ khi đặt chân đến Thành phố. Kế hoạch kết nối du lịch đường sắt với du lịch đường sông, đường biển cũng đang được triển khai nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.

Bà Trần Thị Hoàng Mai cho biết thêm: “Ngoài cảnh đẹp, Hải Phòng còn có nền ẩm thực phong phú, văn hóa đặc sắc. Chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng các tour kết hợp giữa tàu hỏa, du lịch biển đảo, city tour và trải nghiệm ẩm thực”.

Nhằm tận dụng tối đa hiệu ứng từ sự kiện khai trương đoàn tàu, Hải Phòng sẽ tổ chức Liên hoan Ẩm thực món ngon Hải Phòng 2025 tại Ga Hải Phòng (số 75 – phố Lương Khánh Thiện, Ngô Quyền) từ ngày 09/5 đến 14/5, với hơn 40 gian hàng ẩm thực, như bánh đa cua, nem cua bể, lẩu cua đồng…, giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực của thành phố cảng.

Với mục tiêu phát triển dài hạn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đang lên kế hoạch “chọn mặt gửi vàng”, hợp tác cùng các doanh nghiệp, nhà hàng uy tín để mang tinh hoa ẩm thực địa phương và quốc tế lên đoàn tàu du lịch “Hoa Phượng Đỏ” và phục vụ du khách trong hành trình khám phá Thành phố.

Sở hữu “bộ sưu tập” ẩm thực phong phú với khoảng 600 nhà hàng đa dạng, từ hương vị truyền thống đến tinh túy ẩm thực Italy, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, Hải Phòng tự tin đáp ứng mọi khẩu vị của du khách trong nước và quốc tế.

Song song đó, Thành phố sẽ chủ động tổ chức các hội nghị khách hàng, tập trung khai thác các phân khúc du lịch tiềm năng như du lịch biển đảo, golf, MICE, city tour, kết hợp văn hóa và ẩm thực, tận dụng tối đa lợi thế của sản phẩm du lịch đường sắt.

P.V

Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn – Đăng ngày 04/4/2025