Đồng Nai sẽ khai mạc Festival Gốm và Khinh khí cầu lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài 4 ngày

Sáng 22/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Công thương tỉnh Đồng Nai tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện Festival Gốm và Khinh khí cầu Đồng Nai 2025 (Festival Đồng Nai 2025).

Buổi họp báo về Festival Đồng Nai 2025 sáng 22/4. Ảnh: Ngọc Liên

Festival Đồng Nai 2025 là một trong những sự kiện văn hóa, du lịch lớn nhất trong năm, nhằm quảng bá văn hóa truyền thống, phát triển du lịch và kinh tế địa phương, đồng thời chào mừng sự kiện trọng đại Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo kế hoạch, Festival Đồng Nai 2025 sẽ diễn ra từ 27 đến 30/4.

Đơn vị thực hiện bay khinh khí cầu trả lời câu hỏi tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Liên

Lễ khai mạc các sự kiện Festival Đồng Nai sẽ diễn ra tại 2 địa điểm. Cụ thể, đối với Festival Khinh khí cầu sẽ khai mạc vào 7 giờ sáng ngày 27/4, tại Công ty CP thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên (Khu du lịch Sơn Tiên), phường An Hòa, thành phố Biên Hòa. Festival Khinh khí cầu sẽ quy tụ 50 khinh khí cầu tượng trưng cho 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đây là lễ hội khinh khí cầu quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với nhiều hoạt động đặc sắc gồm: Bay treo khinh khí cầu, bay trải nghiệm, tham quan lòng khinh khí cầu, đêm hoa đăng khinh khí cầu… Trong thời gian diễn ra Festival Khinh khí cầu, người dân sẽ được trải nghiệm bay treo khinh khí cầu miễn phí (nếu thời tiết cho phép). Đặc biệt, vào tối 30/4, lễ hội hoa đăng khinh khí cầu sẽ diễn ra tại Công viên bờ sông Nguyễn Văn Trị của thành phố Biên Hòa.

Đối với sự kiện Festival Gốm truyền thống Biên Hòa sẽ khai mạc vào lúc 17 giờ ngày 27/4, tại Trung tâm Sự kiện và đối ngoại tỉnh Đồng Nai. Festival Gốm truyền thống Biên Hòa sẽ triển lãm các sản phẩm gốm nghệ thuật đặc sắc, mang giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao. Giới thiệu lịch sử, quy trình sản xuất và sự phát triển của nghề gốm Biên Hòa. Các hoạt động giao lưu giữa nghệ nhân và công chúng, giúp nâng cao nhận thức về giá trị nghệ thuật truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự phát triển làng nghề gốm Biên Hòa.

Biểu diễn khinh khí cầu tại Lễ hội Khinh khí cầu tổ chức tại huyện Nhơn Trạch năm 2024. Ảnh: Ngọc Liên

Theo Ban tổ chức Festival Đồng Nai 2025, chuỗi hoạt động lễ hội không chỉ giới thiệu gốm và khinh khí cầu mà còn tận dụng sự cộng hưởng của các hoạt động phụ trợ như triển lãm văn hóa, trò chơi dân gian, các cuộc thi sáng tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa quốc tế, mang lại trải nghiệm đa dạng và sâu sắc cho người tham gia.

Ngọc Liên

Báo Đồng Nai điện tử – baodongnai.com.vn – Đăng ngày 22/4/2025

Cơ hội quảng bá sản phẩm du lịch Tuyên Quang

Chương trình Trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2025 được khai mạc tối 27/4 là hoạt động nằm trong Chương trình Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2025. Đây là cơ hội giúp các địa phương, doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm đặc trưng đến với nhân dân và du khách đến với Tuyên Quang dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5 sắp tới.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết: “Với quy mô trên 100 gian hàng, chương trình tập trung vào các sản phẩm du lịch, làng nghề đặc trưng, thế mạnh của các tỉnh trong cả nước; sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản và chế biến thực phẩm; hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, nội thất… Các chương trình du lịch, các tuyến điểm du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành trong cả nước và các mặt hàng khác…”.

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) chuẩn bị các sản phẩm tham gia Chương trình Trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2025.

Các đơn vị tham gia hiện nay đang gấp rút chuẩn bị các sản phẩm, đảm bảo mang đến chương trình những sản phẩm mang nét đặc trưng của vùng miền. Anh Bùi Mạnh Hùng, chuyên viên Trung tâm xúc tiến đầu tư Thành phố Hải Phòng cho biết: “Thành phố Hải Phòng tham gia Chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch làng nghề Tuyên Quang năm 2025 với 6 sản phẩm tiêu biểu như: Pate cột đèn, nước mắm, bánh đa cua, nem cua bể, bánh mỳ que… Đây là lần thứ 6 thành phố Hải Phòng tham gia các hoạt động quảng bá tại tỉnh Tuyên Quang. Những lần tham gia trước, các sản phẩm đã được nhân dân, du khách ủng hộ, chắc chắn lần tham gia này cũng sẽ là cơ hội tốt để mang các sản phẩm của Hải Phòng đến người tiêu dùng.

Tại Tuyên Quang, các địa phương, đơn vị đã sẵn sàng các sản phẩm để tham gia Chương trình Trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2025. Huyện Lâm Bình chuẩn bị 25 sản phẩm OCOP và đặc trưng để tham gia chương trình. Các sản phẩm đã được kiểm tra, đóng gói sẵn sàng cho việc trưng bày, quảng bá, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Chị Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, phụ trách chuẩn bị các sản phẩm tham gia chương trình cho biết: “Huyện Lâm Bình mang đến chương trình các sản phẩm chủ lực như: Sản phẩm thổ cẩm; những món ăn dân dã đặc trưng của vùng cao như như bánh trứng kiến, xôi ngũ sắc, mật ong, hoa tam thất… Thông qua các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã góp phần quảng bá các sản phẩm đặc trưng của huyện đến nhân dân và du khách”.

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đã khai trương điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại tổ dân phố Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách và nhân dân. Chị Phạm Thị Hồng, thành viên Hợp tác xã chia sẻ: “Điểm trưng bày được thành lập nhằm tăng cường kết nối, giao lưu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của các Hợp tác xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, tạo cơ hội để các Hợp tác xã trên địa bàn huyện tham gia trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tại gian hàng chung, tạo điều kiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường chuẩn bị đa dạng các mặt hàng tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tỉnh trong thời gian tới”.

Chương trình Trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2025 sẽ thúc đẩy hoạt động liên kết, xúc tiến đầu tư, là cầu nối phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, giải trí cho nhân dân và du khách.

Bài, ảnh: Trang Hoàng

Báo Tuyên Quang Online – baotuyenquang.com.vn – Đăng ngày 23/4/2025

Quảng Ninh: Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Du lịch biển Vân Đồn 2025

Trong hai ngày 26 và 27/4 tới đây, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) lần đầu tổ chức Lễ hội Du lịch biển Vân Đồn với chủ đề “Khúc tình ca của biển” tại bãi biển thôn Ninh Hải, xã Minh Châu. Sự kiện này không chỉ là cơ hội quảng bá vẻ đẹp của địa phương, tạo cơ hội giao lưu, kết nối cộng đồng và thu hút du khách trong và ngoài nước, mà còn là dịp để tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên của vùng đất biển đảo giàu tiềm năng này.

Lễ hội diễn ra tại bãi biển thôn Ninh Hải – một trong những bãi biển đẹp nhất của đảo Minh Châu với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: Các hoạt động trải nghiệm thể thao, ẩm thực, âm nhạc… tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Bãi biển Minh Châu – Nơi diễn ra sự kiện Lễ hội Du lịch biển Vân Đồn 2025.

Một trong những điểm nhấn của Lễ hội là sự kiện công bố và biểu diễn lần đầu tiên ca khúc “Đặc khu Vân Đồn” do Nhạc sỹ Lê Đăng Vệ sáng tác. Ca khúc này thể hiện niềm tự hào, tôn vinh vẻ đẹp và tiềm năng phát triển của Vân Đồn, như lời mời gọi du khách đến khám phá vẻ đẹp và tiềm năng phát triển của Vân Đồn. Lễ hội còn mang đến những màn trình diễn âm nhạc đặc sắc, góp phần tạo không khí vui tươi, sôi động cho sự kiện.​

Lễ hội là dịp để người dân và du khách gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và quảng bá những hình ảnh đẹp về khu du lịch Quan Lạn – Minh Châu nói riêng và huyện Vân Đồn nói chung. Thông qua sự kiện, địa phương kỳ vọng thu hút 2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2025, trong đó khu du lịch Quan Lạn – Minh Châu đạt 408.500 lượt khách.​ Đây là sự kiện đánh dấu khởi đầu đầy ấn tượng cho hành trình của Vân Đồn vươn tầm trên bản đồ du lịch biển đảo Việt Nam.

Ngân Hà (Trung tâm TT & VH Vân Đồn)

Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.vn – Đăng ngày 23/4/2025

Ninh Bình: Tỏa sáng thương hiệu Tuyệt sắc miền Cố đô

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với định hướng chuyển dịch chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”.

Định vị thương hiệu du lịch Ninh Bình là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”

Nhiều hoạt động xã hội hóa được triển khai nhằm hình thành các sản phẩm du lịch mới, giàu bản sắc, gắn kết giữa thiên nhiên, văn hóa truyền thống và hơi thở hiện đại.

Từ đó, góp phần định vị thương hiệu du lịch Ninh Bình là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, phục hồi ấn tượng

Năm 2024, ngành du lịch Ninh Bình ghi nhận những kết quả hết sức khả quan: Toàn tỉnh đón trên 8,7 triệu lượt khách, vượt 16% so với kế hoạch, tăng gần 30% so với năm 2023.

Trong đó, khách nội địa đạt 7,2 triệu lượt, khách quốc tế trên 1,5 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 9.100 tỉ đồng, tăng 40,15%.

Chỉ trong quý I năm 2025, Ninh Bình tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với hơn 4,4 triệu lượt khách, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, khách quốc tế đạt 535.000 lượt, tăng 40,8%. Doanh thu du lịch quý I đạt gần 4.700 tỉ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm phù hợp, ngành du lịch Ninh Bình đang tập trung khai thác các thị trường quốc tế trọng điểm như châu Âu, Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và mở rộng đến các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông.

Tuần Du lịch Ninh Bình 2025: Di sản trong đời sống, sáng tạo giữa thiên nhiên

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm nay, tỉnh Ninh Bình tổ chức chuỗi sự kiện đặc sắc trong khuôn khổ Tuần Du lịch Ninh Bình 2025, khẳng định vị thế là trung tâm du lịch văn hóa – lịch sử hấp dẫn hàng đầu cả nước.

Điểm nhấn của Tuần Du lịch là chương trình Di sản dành cho cuộc sống, diễn ra từ ngày 02 đến 03/5. Đây không chỉ là hoạt động quảng bá mà còn là lời tri ân sâu sắc dành cho những nghệ nhân đang gìn giữ tinh hoa làng nghề truyền thống.

Không gian làng nghề sáng tạo được thiết kế thành 5 cụm nghệ thuật đại diện cho các làng nghề nổi bật: Thêu ren Văn Lâm, dệt cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát…

Du khách sẽ được trải nghiệm quy trình làm nghề, giao lưu cùng nghệ nhân và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng như trà, nước trái cây bản địa.

Các hoạt động chính gồm: Khai mạc Không gian trưng bày Làng nghề truyền thống Ninh Bình, ngày 02/5; Chương trình thời trang nghệ thuật Di sản dành cho cuộc sống, ngày 02/5; Diễu hành xe đạp làng nghề, ngày 03/5.

Nón lá – Vietnam Festival 2025: Hành trình nghệ thuật trên di sản

Tiếp nối chuỗi sự kiện là Nón lá  – Vietnam Festival 2025, nơi hội tụ của văn hóa Việt, nghệ thuật và lịch sử trong không gian thiên nhiên kỳ vĩ.

Trên chặng đường từ Tam Cốc đến Tam Chúc, người tham gia sẽ đắm mình trong vẻ đẹp non nước hữu tình và các giá trị truyền thống được tái hiện sống động.

Lễ hội tạo điểm nhấn kết nối cộng đồng, truyền cảm hứng sáng tạo và lan tỏa tình yêu di sản trong đời sống đương đại.

Quảng bá du lịch thể thao: Giải đua xe địa hình off-road 2025

Giải đua xe ô tô địa hình off-road 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 01-02/5 tại Khu công cộng liền kề Cổng chào Đường Tràng An – Khu Công viên Văn hóa Tràng An.

Sự kiện không chỉ thu hút các tay đua chuyên nghiệp mà còn quảng bá hình ảnh du lịch thể thao Ninh Bình, khơi dậy tinh thần cộng đồng, gắn bó và thiện nguyện.

Song song với các sự kiện chính, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc cũng sẽ diễn ra tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh.

Đêm nhạc hòa tấu, đêm nhạc Hoài niệm tại Phố cổ Hoa Lư; Lễ khai trương cụm decor biểu tượng bản đồ Việt Nam bằng nón lá truyền thống tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham – biểu tượng cho sự đoàn kết 54 dân tộc.

Tái hiện mô hình Đoàn tàu Thống Nhất Bắc – Nam giữa không gian núi rừng, như một biểu tượng gắn kết đất nước và tinh thần hòa bình.

Khẳng định vị thế điểm đến hàng đầu châu Á

Với vẻ đẹp nguyên sơ, văn hóa – lịch sử phong phú và nỗ lực làm mới mình từng ngày, Ninh Bình liên tiếp được quốc tế vinh danh.

Trips to Discover (Mỹ) đưa Ninh Bình vào Top 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (năm 2020); Tạp chí Du lịch và Giải trí (Mỹ) bình chọn Ninh Bình là một trong 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á (2022).

Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới theo Traveller Review Awards (2023); Đứng thứ 4 trong Top 10 kỳ quan thế giới dành cho người không thích đám đông (2024).

Quần thể danh thắng Tràng An nhận Giải thưởng Koller – hạng mục Impactful Destination (2024); Ninh Bình được Booking.com xếp thứ 2 trong Top thành phố hiếu khách nhất Việt Nam (2025).

Với định hướng phát triển thương hiệu Tuyệt sắc miền Cố đô, Ninh Bình đang dần trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế.

Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm cao cấp, thân thiện với môi trường, mang lại những trải nghiệm khác biệt cho du khách trong và ngoài nước.

Cẩm Tú

Báo Văn hóa – baovanhoa.vn – Đăng ngày 22/4/2025

Ninh Thuận tổ chức Tuần VHTTDL và Ẩm thực dịp 30/4

(TITC) – Tuần VHTTDL và Ẩm thực Ninh Thuận năm 2025 được tổ chức với chủ đề: “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, là sự kiện VHTTDL có ý nghĩa quan trọng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2025) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Tuần VHTTDL và Ẩm thực Ninh Thuận năm 2025 được tổ chức nhằm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch kích cầu du lịch, tăng cường quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Ninh Thuận trong năm 2025. Qua góp phần thúc đẩy phát triển du lịch; thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận trong thời gian tới.

Du khách tham quan trải nghiệm làm gốm tại Chợ đêm Du lịch Ninh Thuận. Ảnh: ninhthuan.gov.vn

Tuần VHTTDL và Ẩm thực Ninh Thuận năm 2025 sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, đặc sắc, mới lạ có quy mô lớn; hứa hẹn là một sự kiện hoành tráng, đầy màu sắc và đậm đà bản sắc địa phương. Tiêu biểu như: Lễ hội Khinh khí cầu; lễ hội ẩm thực với 30 gian hàng giới thiệu các món ăn đặc sắc của Ninh Thuận (hải sản, dê, cừu, nước giải khát chế biến từ quả xương rồng, nha đam…); tổ chức 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm dịch vụ du lịch, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh; đăng cai cuộc thi “Hoa hậu Doanh nhân Toàn Năng mùa 1 – 2025”; đồng diễn Áo dài truyền thống phụ nữ Việt Nam và biểu diễn dân vũ thể thao với sự tham gia của trên 1.200 phụ nữ Ninh Thuận; Giải đua xe đạp phong trào tỉnh Ninh Thuận mở rộng năm 2025 – Cup Trung Nam Group.

Bên cạnh đó, tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng diễn ra nhiều hoạt động VHTTDL đặc sắc, hấp dẫn mang tính đặc trưng, độc lạ của các địa phương như: Ngày hội Văn hóa Raglai huyện Bác Ái lần thứ III năm 2025; Lễ hội Cầu ngư Lăng thần Nam Hải, Mỹ Tân năm 2025; Giải đua thuyền Rồng Đầm Nại-Ninh Hải; Giải Việt dã truyền thống thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; trải nghiệm nghệ thuật làm gốm của Người Chăm tại làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm tại làng nghề Mỹ Nghiệp; trải nghiệm tại các vườn nho Thái An.

Lễ khai mạc “Tuần Lễ VHTTDL và Ẩm thực Ninh Thuận năm 2025” sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 30/4/2025 tại Quảng trường 16/4 (TP. Phan Rang – Tháp Chàm) với chương trình nghệ thuật đặc biệt, trình diễn Drone light và bắn pháo hoa tầm thấp.

Trung tâm Thông tin du lịch

Thái Nguyên: 46 đơn vị đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch

Ngày 21/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2025. Mục tiêu của chương trình nhằm thu hút trên 6,2 triệu lượt khách, đạt doanh thu 6.120 tỷ đồng.

Gần 100 đại biểu tham dự Chương trình kích cầu du lịch năm 2025

Chương trình tập trung vào các hoạt động: Đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, khẳng định vị thế du lịch Thái Nguyên là điểm đến thân thiện, hấp dẫn; giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc, dịch vụ chất lượng; tăng cường liên kết giữa các địa phương để phát triển du lịch bền vững; nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá các điểm đến…

Đại diện các đơn vị ký cam kết tham gia kích cầu du lịch

Tại chương trình đã có 46 đơn vị đăng ký tham gia, gồm 7 công ty lữ hành, 11 cơ sở lưu trú, 15 nhà hàng, điểm mua sắm, 13 khu, điểm du lịch. Các gói ưu đãi kích cầu du lịch sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9/2025, với tổng giá trị gần 22 tỷ đồng. Thông tin chi tiết về chương trình sẽ được cập nhật liên tục trên các kênh truyền thông và mạng xã hội.

Chương trình hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ trong năm 2025.

Ngọc Chuẩn

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn – Đăng ngày 21/4/2025

Quảng Ninh tích cực đổi mới xúc tiến du lịch

Cùng với việc làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và điểm đến, công tác xúc tiến du lịch cũng đã và đang được tỉnh Quảng Ninh tích cực đổi mới để phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu phấn đấu đón 20 triệu lượt khách trong năm 2025 cũng như hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin với các đơn vị lữ hành về các sản phẩm du lịch, điểm đến tỉnh Quảng Ninh mới đưa vào khai thác

Với việc mở các gian hàng quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch tại các ngày hội và hội chợ du lịch thành phố Hồ Chí Minh, năm nay, ngành du lịch Quảng Ninh đã đổi mới phương thức tiếp cận trong công tác xúc tiến du lịch bằng cách trực tiếp tới làm việc với các đơn vị lữ hành, qua đó thông tin về các sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới và kế hoạch phát triển du lịch Quảng Ninh trong ngắn hạn và dài hạn đối với từng đơn vị lữ hành có các thế mạnh khác nhau về khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế, khách du lịch tàu biển cao cấp.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel, một trong những đơn vị lữ hành lớn trong nước cho rằng: Đây là việc rất mới trong công tác xúc tiến du lịch và tạo không khí thân mật gắn kết đơn vị doanh nghiệp ngành du lịch với tỉnh Quảng Ninh. Qua những buổi làm việc như này là dịp để doanh nghiệp nắm rõ các định hướng của tỉnh về các sản phẩm du lịch mới, cũng như các chính sách hỗ trợ của địa phương đối với doanh nghiệp và du khách.

Doanh nghiệp lữ hành thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến về phát triển các sản phẩm du lịch mới

Cùng quan điểm này, bà Mai Phan Kim Yến, Giám đốc kinh doanh Công ty Thương mại và Du lịch Tân Đông Dương, một trong những đơn vị đầu ngành trong khai thác các khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu cao từ các nước như Nhật Bản và Đức chia sẻ: Việc xúc tiến du lịch trực tiếp như này sẽ là một xu hướng mới giữa doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp lữ hành nói riêng cùng đồng hành với địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch mới, quảng bá thu hút thêm thật nhiều khách quốc tế đến với Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Không chỉ giới thiệu tới các doanh nghiệp lữ hành về các sản phẩm du lịch truyền thống cũng như các sản phẩm, điểm đến du lịch mà tỉnh Quảng Ninh mới đưa vào khai thác tại Vịnh Bái Tử Long; kết nối chuỗi điểm đến kết nối Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với Yên Tử sau khi được UNESCO công nhận Di sản thế giới; du lịch miền biên giới… tại các buổi xúc tiến du lịch trực tiếp này còn là dịp để ngành du lịch Quảng Ninh lắng nghe ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp lữ hành trong công tác truyền thông tới du khách, xây dựng các tour du lịch phù hợp với xu hướng; phối hợp quảng bá hình ảnh du lịch thông qua phim ảnh; thúc đẩy du lịch thông qua các sự kiện thể thao, âm nhạc, lễ hội, văn hóa…

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với công ty Du lịch và thương mại Tân Đông Dương đơn vị lữ hành thị trường khách quốc tế

Bà Trần Thị Thanh Phụng, Giám đốc Công ty Asia Outlook Travel, một trong những đơn vị lữ hành đầu ngành trong việc khai thác các khách du lịch về tàu biển cho biết: Chúng tôi đưa khách du lịch quốc tế đến nhiều địa phương trong cả nước nhưng chưa có địa phương nào có cách tiếp cận mới trong xúc tiến du lịch bằng việc trực tiếp đến với chúng tôi để lắng nghe những đề xuất trong phát triển du lịch mà tỉnh Quảng Ninh đang triển khai. Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là một cách tiếp cận rất hay, bởi không ai hiểu khách du lịch muốn gì, cần gì bằng chính những đơn vị lữ hành, để qua đó, góp ý với tỉnh Quảng Ninh có những hành động mạnh mẽ, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đón đầu được xu hướng.

Với việc đổi mới mang tính thực chất, đi sâu vào từng nội dung cụ thể trong công tác xúc tiến du lịch với các đơn vị lữ hành, những đơn vị làm việc trực tiếp với khách du lịch sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để du lịch Quảng Ninh phấn đấu vượt 20 triệu lượt khách và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2025.

Thành Công

Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.vn – Đăng ngày 21/4/2025

TP.Hồ Chí Minh đa dạng sản phẩm du lịch chào mừng đại lễ 30/4

Trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang lan tỏa khắp nơi, TP.Hồ Chí Minh cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm đón khách du lịch dịp lễ 30/4 – 01/5.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Hướng tới cột mốc lịch sử 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh chính thức phát động chuỗi hoạt động hưởng ứng trong năm 2025. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho biết, đây là dịp để toàn ngành du lịch TP.Hồ Chí Minh lan tỏa lòng biết ơn, tôn vinh những giá trị lịch sử, đồng thời đón chào du khách bằng sự mến khách, vốn là nét đặc trưng của người dân Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh.

TP.Hồ Chí Minh phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới cho dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Theo đó, Sở đang khẩn trương xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch mới gắn với chiều sâu văn hóa – lịch sử nhằm tạo dấu ấn đặc biệt cho dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, có thể kể đến như: Sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Thạnh An (Cần Giờ), sản phẩm du lịch tại Hóc Môn, tour “Nam Kỳ lục tỉnh”.

Ngoài các sản phẩm du lịch cho Sở Du lịch chủ trì triển khai xây dựng, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã giới thiệu hàng loạt tour du lịch văn hóa – lịch sử, từ các hành trình ngắn trong nội đô đến các chuyến đi dài ngày kết nối với các tỉnh lân cận như: Tour Biệt động văn hoá Sài Gòn, Sài Gòn xưa và nay (kết hợp tham quan tuyến metro số 1), Quận 1 – sắc màu đêm, Huyền thoại những anh hùng (Đặc công rừng Sác – Đất thép thành đồng); lịch trình tour dài ngày thường kết hợp các điểm đến khác như sông nước Miền Tây, biển Nha Trang hoặc Đà Lạt…

Các tour này không chỉ tập trung vào việc tham quan các di tích lịch sử mà còn kết hợp với các hoạt động trải nghiệm văn hóa, giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về lịch sử và văn hóa của TP.Hồ Chí Minh, mang lại cho du khách những cảm xúc sâu sắc và hiểu biết hơn về lịch sử dân tộc.

Đặc biệt, các tour được thiết kế để phù hợp với nhiều đối tượng du khách, từ học sinh, sinh viên đến người cao tuổi và du khách quốc tế. Ngoài ra, các city tour theo chuyên đề gắn với hệ thống bảo tàng, di sản kiến trúc và chương trình tham quan ban đêm tại Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh cũng được làm mới.

Ngoài ra, ngành du lịch TP.Hồ Chí Minh cũng cho triển khai nhiều chiến dịch trong dịp này, như: Chiến dịch khám phá 50 biểu tượng du lịch, chiến dịch quảng bá du lịch – “FIND YOUR VIBES”, ra mắt biểu tượng logo 50 năm, bộ ảnh “50 biểu tượng du lịch”, phim du lịch mang màu sắc điện ảnh 50 Flashes… hứa hẹn mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm độc đáo, khó quên trong ngày hội của cả dân tộc.

Nhiều chương trình ưu đãi trong dịp lễ hứa hẹn tạo sức hút cho du lịch trong dịp lễ năm nay.

Nhiều chương trình kích cầu

Từ ngày 20/4 đến 10/6/2025, TP.Hồ Chí Minh triển khai chương trình kích cầu du lịch quy mô lớn với chủ đề “50 ngày vàng – Khám phá TP.Hồ Chí Minh hiếu khách và sôi động”. 

Theo đó, hàng trăm doanh nghiệp đồng loạt tham gia, mang đến ưu đãi sâu rộng như giảm giá tour tham quan nội đô, city tour theo chủ đề lịch sử, gói nghỉ dưỡng – ẩm thực – trải nghiệm, ưu đãi phòng nghỉ từ 3 sao trở lên, vé tham quan ban đêm tại bảo tàng, quà tặng lưu niệm, sản phẩm OCOP được thiết kế riêng mang nhận diện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Đặc biệt, các gói ưu đãi dành cho khách đoàn, khách quốc tế và du khách đến vào dịp lễ 30/4 – 01/5 hứa hẹn tạo nên sức hút lớn cho thị trường du lịch hè năm nay.

Cũng theo Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho hay, hiện tại các khách sạn từ 1 – 5 sao tại khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh, bao gồm các quận 1, quận 4 và khu vực Bến Nhà Rồng là nơi tập trung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, diễu hành, lễ hội ánh sáng, ẩm thực… công suất phòng hiện tại đạt từ 95 – 100%, nhiều khách sạn lớn trong khối 4 – 5 sao đã báo kín phòng trong các ngày từ 27/4 đến 01/5/2025. 

Do đó, du khách có thể cân nhắc lựa chọn lưu trú tại các khu vực lân cận trung tâm như quận 3, quận 5, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận và quận Tân Bình… nơi tập trung nhiều khách sạn đa dạng về phân khúc, có chất lượng dịch vụ tốt và mức giá hợp lý. 

Từ các khu vực này, du khách có thể dễ dàng tiếp cận trung tâm TP.Hồ Chí Minh nơi diễn ra các hoạt động lễ hội thông qua hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe buýt điện, hoặc các phương tiện di chuyển xanh như xe đạp công cộng, góp phần tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Hoài Sương

Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn – Đăng ngày 21/4/2025

Hà Giang: Đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm du lịch

Những năm qua, du lịch Hà Giang đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh việc từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư thì các cấp chính quyền, ban, ngành và người dân đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút du khách nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, đặc trưng riêng của từng vùng, miền, dân tộc ở Hà Giang.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Hoài cho biết: “Để thu hút được khách du lịch đến Hà Giang, tỉnh đã tổ chức thành công các chương trình lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách. Đồng thời, tổ chức những hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch và gặp gỡ doanh nghiệp du lịch, đơn vị truyền thông du lịch cũng như đẩy mạnh truyền thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ, chương trình kích cầu du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước… Vì vậy, riêng trong quý I/2025, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt gần 900.000 lượt”.

Những sản phẩm du lịch của Hà Giang thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách tại Hà Nội

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh và thực hiện liên tục với nhiều hình thức khác nhau. Đơn vị chuyên môn  tích cực tham mưu các chương trình, kế hoạch tổ chức tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh, đóng góp tích cực trong việc lan tỏa hình ảnh và tín hiệu tích cực về du lịch Hà Giang đến du khách trong và ngoài nước.

Đơn cử trong những ngày tháng Tư lịch sử này, Hà Giang tham gia gian hàng để giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc trưng tại “Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2025” với chủ đề “Phát triển các điểm đến Xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam”. Hội chợ quy tụ hơn 600 doanh nghiệp, với 450 gian hàng từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng sự tham gia của 8 hãng hàng không và 60 cơ quan xúc tiến du lịch trong, ngoài nước. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Lại Quốc Tĩnh cho biết: “Qua không gian của Hội chợ, chúng tôi những người tâm huyết với du lịch Hà Giang muốn gửi gắm thông điệp du lịch tinh túy nhất về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên Hà Giang đến với mọi tầng lớp du khách trên toàn thế giới”.

Du khách thưởng trà Shan tuyết Hà Giang

Gian hàng tại Hội chợ của Hà Giang đã thu hút đông đảo du khách và các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước. Không chỉ giới thiệu tiềm năng du lịch phong phú với những điểm đến nổi tiếng, Hà Giang còn mang đến hội chợ lần này một phần hồn của núi rừng qua những sản vật nông nghiệp đặc trưng. Nổi bật nhất là các sản phẩm: Chè Shan tuyết cổ thụ vùng Tây Côn Lĩnh; thổ cẩm của người Mông và mật ong Bạc hà của vùng Cao nguyên đá hay những chiếc bánh chưng Gù đặc trưng chỉ có ở vùng cao Hà Giang. Bên cạnh đó, không gian thưởng trà Shan tuyết được bài trí tinh tế ngay trong gian hàng đã thực sự trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách.

Chị Phạm Thị Hoa, khách du lịch đến từ Quảng Bình tâm sự: “Dù tuổi còn trẻ nhưng tôi rất thích thú với các sản phẩm được làm từ cây chè, nhất là những sản phẩm trà organic. Bản thân đã được uống rất nhiều loại trà của Việt Nam rồi nhưng hương vị trà Shan tuyết Hà Giang có một điều gì đó rất khác biệt, khó tả”. Còn đối với bà Trần Thị Sinh, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội một người đã rất nhiều lần đến với Hà Giang chia sẻ: “Những sản phẩm du lịch của Hà Giang mang được tinh hoa, quý giá không chỉ mang tính bảo tồn mà còn đã, đang được phát huy thành sản phẩm du lịch. Gia đình tôi sẽ còn đến Hà Giang cũng những người bạn”.

Những ấn phẩm tại gian hàng giới thiệu chi tiết những điểm đến truyền thống cũng như những điểm đến mới của Hà Giang đã gây ấn tượng đặc biệt với khách thăm quan. Qua đây gợi mở để các đơn vị lữ hành xây dựng thêm những tour, tuyến dài hơn để du khách được trải nghiệm. Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2025 không chỉ là dịp để Hà Giang quảng bá hình ảnh du lịch mà còn khẳng định thương hiệu Điểm đến du lịch Xanh, bền vững và mang đậm bản sắc dân tộc, và danh hiệu “Hà Giang – điểm đến văn hoá khu vực hàng đầu Châu Á”.

Bài, ảnh: Phi Anh

Báo Hà Giang – baohagiang.vn – Đăng ngày 22/4/2025

Thái Nguyên: Sẵn sàng đón khách dịp nghỉ lễ

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm nay, dự kiến tại các khu, điểm đến và hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lượng khách sẽ tăng cao. Để không bị động, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách.

Trong Tuần văn hóa, thể thao, du lịch và Chương trình khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025, các đơn vị sẽ khởi hành chuyến tàu từ ga Hà Nội đến Thái Nguyên.

5 ngày nghỉ liên tục (từ 30/4 đến hết ngày 04/5), với người lao động và mọi người dân đây là dịp để đi lại gặp gỡ, tham quan lý tưởng. Cũng là cơ hội vàng đối với các khu, điểm đến và các doanh nghiệp, cơ sở tham gia hoạt động du lịch. Dự báo lượng khách tăng đột biến so với các dịp nghỉ cuối tuần, nên các đơn vị, cơ sở làm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị nhiều sản phẩm, dịch vụ, sẵn sàng đón khách.

Thực tế đợt đón khách du lịch lần này tại tỉnh Thái Nguyên diễn ra sớm hơn. Bắt đầu từ trung tuần tháng Tư, khi các hoạt động chào mừng Tuần văn hoá, thể thao, du lịch và Chương trình Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025 (Tuần Văn hóa) bắt đầu được tổ chức.

Mở đầu là việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Du lịch TP. Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến du lịch, giới thiệu Chương trình Tuần Văn hóa đến hàng trăm đại biểu của Hiệp hội Du lịch, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch, doanh nghiệp làm du lịch và cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội. Tiếp đến, Sở tổ chức thành công Giải Vô địch Câu lạc bộ Yoga Quốc gia năm 2025; Giải Vô địch các Câu lạc bộ võ cổ truyền Quốc gia năm 2025 và Giao lưu võ thuật Việt Nam – Triều Tiên. Mỗi hoạt động thu hút hàng nghìn lượt nhân dân, du khách tham dự.

Nhiều món ăn có nguyên liệu từ chè và trà được các đầu bếp trình diễn tại Quảng trường Vạn Xuân (TP. Phổ Yên), nơi diễn ra Tuần Văn hoá, thể thao, du lịch và Chương trình Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025.

Cả Thái Nguyên tràn ngập một không khí tưng bừng chào đón ngày đất nước thống nhất và ngày Quốc tế Lao động. Dọc các trục đường từ thôn quê đến phố thị cờ hoa rực rỡ, biểu ngữ, băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu, bảng điện tử chạy chữ… có nội dung chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và quảng bá Tuần Văn hóa.

Các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và nhiều trang mạng xã hội đăng tải đậm nét về tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên trong phát triển kinh tế – văn hóa xã hội. Tất cả tạo thành điểm nhấn bắt mắt, ấn tượng, thu hút sự quan tâm của bạn bè trên cả nước và quốc tế về vùng đất, con người Thái Nguyên thời hội nhập, phát triển.

Bánh chưng, một trong những thức quà không thể thiếu tại các lễ hội ở Thái Nguyên.

Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách du lịch, đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, từ ngày 16/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn gửi đến các cấp, ngành của tỉnh về việc tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch; hướng dẫn các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh cùng phối hợp thực hiện như: Chủ động tổ chức tốt các hoạt động phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng các gói kích cầu du lịch thông qua việc giảm giá, khuyến mại…, với thông điệp “Việt Nam – Đi để yêu”, gắn với phong trào: “Người Thái nguyên đi du lịch Thái Nguyên”. Đặc biệt kỳ nghỉ này, Sở thiết lập và công khai 20 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ khách du lịch trong thời gian tham gia các hoạt động tham quan, trải nghiệm trên địa bàn của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 535 cơ sở lưu trú du lịch, gồm 7 khách sạn 3 sao, 6 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 1 sao, 45 khách sạn đạt tiêu chuẩn và 476 cơ sở lưu trú hạng nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Số lượng phòng nghỉ khoảng gần 7.000 phòng, với gần 10.000 giường.

Các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều đã chủ động xây dựng, hướng dẫn người lao động tại đơn vị chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời bố trí cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh; tổ chức trang trí cảnh quan tạo không khí vui tươi phấn chấn phục vụ du khách; các dịch vụ lưu trú, vận chuyển hành khách, hàng hóa, quà lưu niệm niêm yết giá công khai…

Tất cả đã sẵn sàng. Hy vọng ngành du lịch tỉnh Thái Nguyên mang lại cho nhân dân, du khách một kỳ nghỉ an toàn, hạnh phúc.

Ngọc Chuẩn

Báo Thái Nguyên điện tử – baothainguyen.vn – Đăng ngày 22/4/2025

Sắp diễn ra Đại nhạc hội “Mega Booming – Huế 2025”

(TITC) – Tối ngày 06/7/2025, tại Quảng Trường Ngọ Môn – Đại Nội Huế, Công ty Cổ phần BamBoo Artists Agency (BAA) sẽ tổ chức Đại nhạc hội “Mega Booming – Huế 2025”. Chương trình hứa hẹn mang đến những trải nghiệm âm nhạc đỉnh cao, tạo dấu ấn khó quên cho khán giả và du khách; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh cố đô Huế như một điểm đến văn hóa – du lịch – giải trí hấp dẫn của Việt Nam.

Đại nhạc hội “Mega Booming – Huế 2025” là hoạt động biểu diễn nghệ thuật hướng đến sáng tạo sản phẩm “Du lịch âm nhạc” thường xuyên tại Huế. Bên cạnh đó, “Mega Booming – Huế 2025” được đầu tư cả tiết mục “drone light show” trên bầu trời ngay tại Quảng Trường Ngọ Môn, hứa hẹn tạo nên khoảnh khắc ấn tượng khó quên cho du khách trong dịp Hè 2025 tại Huế. Thông qua việc kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, chương trình không chỉ mang tính giải trí cao mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của TP. Huế, đặc biệt là thu hút đối tượng khách hàng trẻ, yêu thích âm nhạc và khám phá văn hóa.

Đại nhạc hội “Mega Booming – Huế 2025” sẽ diễn ra đêm duy nhất vào tối ngày 06/7. Ảnh do BTC cung cấp

Với tôn chỉ đưa những nét đẹp văn hóa dân tộc đến gần hơn với khán giả đại chúng, du khách trong nước và quốc tế, Đại nhạc hội “Mega Booming – Huế 2025” được tổ chức với sứ mệnh quảng bá, thu hút du lịch về Huế thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật chất lượng cao. Đây là cơ hội để giới thiệu nét đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung và vùng đất Huế nói riêng đến với công chúng trong nước và quốc tế. Không chỉ dừng lại ở đó, BAA kết hợp cùng các đơn vị vận chuyển, lữ hành, nhà hàng, khách sạn xây dựng tour du lịch trọn gói 3 ngày 2 đêm (từ 05-07/7) với chi phí ưu đãi bao gồm: vé máy bay, tour du lịch 3 ngày 2 đêm tại Huế và vé xem Đại Nhạc Hội “Mega Booming – Huế 2025”. BAA đã sẵn sàng cả phương án chuyến bay charter về Huế trong khuôn khổ Năm Du Lịch Quốc Gia 2025 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người hâm mộ từ các thành phố lớn và góp phần thúc đẩy du lịch tại Huế.

Được biết, Đại nhạc hội “Mega Booming – Huế 2025” quy tụ dàn nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam như Isaac, Anh Tú, Quốc Thiên, Kay Trần, Quân A.P, Wean, Hurrykng, Gemini Hùng Huỳnh, Phạm Anh Khoa, Lyly, Bạch Trà, Xuân Định Manbo, Akari Nakatani, DJ Huy Ngô và Shumo AG. Với dàn nghệ sĩ quy tụ đa dạng và sự dàn dựng, sắp xếp tiết mục đan xen yếu tố truyền thống, dân gian đương đại với các phần Lý Ngựa Ô Huế, Lý Quạ Kêu, Lý Mười Thương, Ngựa Ô Thương Nhớ…; sự kết hợp giữa những phong cách âm nhạc khác nhau từ pop, ballad đến rap, hip-hop sẽ tạo nên một bức tranh âm nhạc đa sắc màu, một bữa tiệc âm nhạc thực sự thịnh soạn để “chiều lòng” khán giả và du khách mọi lứa tuổi đến với chương trình cũng như đợt du lịch Huế vào Hè 2025.

Một điểm nhấn nữa của chương trình là chính sách khuyến mãi. BAA sẽ triển khai nhiều đợt ưu đãi hấp dẫn. Trong thời gian từ ngày 25/4-04/5, học sinh, sinh viên và công nhân khu công nghiệp sẽ được hưởng giá vé siêu ưu đãi khi mua vé cứng tại Huế. Cụ thể, vé GA1 với giá từ 450.000 VNĐ sẽ được phân phối với giá 250.000 VNĐ; vé Fanzone giá từ 650.000 VNĐ sẽ được phân phối với giá 550.000 VNĐ kèm quyền lợi soundcheck hoặc đón/tiễn nghệ sĩ. Trong thời gian từ ngày 05/5-15/5, khán giả sẽ được giảm 15% cho mọi hạng vé khi mua vé sớm trên website chính thức https://MegaBooming.live. Từ ngày 16/5-06/7, BAA vẫn duy trì chính sách ưu đãi dành cho nhóm lớn, đoàn thể, cơ quan hành chính và gói combo du lịch được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng.

Trung tâm Thông tin du lịch

Lễ hội 5 mùa – sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa

(TITC) – Lễ hội 5 mùa là chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch đặc sắc nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên; giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; đồng thời, thúc đẩy liên kết, hội nhập quốc tế; tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Từ năm 2020 đến nay, việc tổ chức Lễ hội 5 mùa ở thị xã Sa Pa đã trở thành thương hiệu khi nhắc đến mảnh đất xinh đẹp này. Theo đó, Lễ hội 5 mùa gồm: Lễ hội mùa Xuân, Lễ hội mùa Hè, Lễ hội mùa Thu, Lễ hội mùa Đông, và Lễ hội mùa tình yêu.

Trong năm 2025, trên địa bàn thị xã Sa Pa sẽ diễn ra hơn 30 sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch độc đáo, hấp dẫn được tổ chức xuyên suốt qua các mùa.

Mở đầu năm 2025 là chuỗi 11 sự kiện trong Lễ hội mùa Xuân gồm: Lễ hội Xòe dân tộc Tày tại xã Mường Bo; Lễ hội Grâus Taox dân tộc Mông tại thôn Cát Cát; Lễ hội Róong Poọc dân tộc Giáy; Lễ Quét làng dân tộc Xa Phó tại xã Liên Minh; Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao tại xã Ngũ Chỉ Sơn; các trò chơi dân gian phục vụ nhân dân và du khách du Xuân tổ chức tại Sân Quần và Công viên Văn hóa các dân tộc; trưng bày Hội báo Xuân Ất Tỵ thị xã Sa Pa; Đêm thơ nguyên tiêu; trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc Sa Pa; Giải Pickleball tranh Cup Fansipan; Giải bóng chuyền hơi nam, nữ mở rộng.

Ngày 18.4, thông tin từ UBND thị xã Sa Pa, tới đây, địa phương sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và Ngày quốc tế Lao động 1/5…

Lễ hội mùa Hè năm nay với chủ đề “Sa Pa – Xứ sở tình yêu” sẽ diễn ra 12 sự kiện đặc sắc, bao gồm: Lễ hội đền Mẫu Thượng (từ ngày 29 – 31/3); Lễ hội Hoa hồng Fansipan tại Khu du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa (từ ngày 26/4 kéo dài đến hết tháng 6/2025); Lễ hội đường phố “Sa Pa – Sắc màu hội tụ” (từ ngày 25 – 27/4); tái hiện “Chợ tình Sa Pa” tại Công viên Văn hóa các dân tộc Sa Pa (từ 21 giờ ngày 26/4 và các ngày thứ 7 hàng tuần); trải nghiệm Không gian văn hóa các dân tộc (bắt đầu từ ngày 29/4 – 2/5); chương trình khai mạc “Sa Pa – Xứ sở của tình yêu” tại Sân Quần (20 giờ ngày 29/4); chương trình nghệ thuật “Vũ khúc Sa Pa” tại Sân Quần (20 giờ ngày 30/4); chương trình nghệ thuật “Khúc hát mùa Hè” tại Sân Quần (20 giờ ngày 1/5); Ngày hội trên Danh thắng núi Hàm Rồng (từ ngày 30/4 – 4/5); Giải chạy “Sa Pa – mùa nước đổ” lần thứ IV (dự kiến tháng 5/2025); Ngày quốc tế Yoga (tháng 6/2025); Lễ hội Vó ngựa trên mây lần thứ 8 (từ ngày 29/6 – 7/7).

Tiếp nối là 6 sự kiện trong Lễ hội mùa Thu với chủ đề “Sa Pa – Ngày hội mùa vàng”: trải nghiệm hoa lay ơn thóc tại Khu du lịch cáp treo Fansipan (tháng 7/2025); Ngày hội Văn hóa bản Mông Cát Cát (cuối tháng 8/2025); Giải đua xe đạp “Sa Pa – Đua trên mùa vàng” (tháng 8/2025); Đêm hội Trăng Rằm (ngày 4/10); Giải chạy Marathon vượt núi Việt Nam 2025 (dự kiến từ ngày 19 – 21/9); Lễ hội Mùa vàng bản Mây tại Khu du lịch cáp treo Fansipan (từ ngày 16/8 – 5/9).

Đến Sa Pa, du khách không thể bỏ lỡ các hoạt động tại Lễ hội mùa Đông “Sa Pa – Thiên đường tuyết rơi” với 4 sự kiện diễn ra từ tháng 10 – 12/2025: Lễ hội thổ cẩm tại Công viên văn hoá các dân tộc (từ 1/10 – 1/11); Festival Mây và Núi tại Khu du lịch cáp treo Fansipan (từ 15/11 – 31/12); tái hiện Tết cổ truyền dân tộc Mông (tháng 12/2025) và chương trình nghệ thuật Count-down Chào năm mới 2026 (20 giờ ngày 31/12).

Trong năm 2024, Du lịch Lào Cai đón khoảng 8 triệu lượt du khách, tổng thu từ du lịch đạt 27.000 tỷ đồng (tăng 12,4% so cùng kỳ). Trong đó, riêng thị xã Sa Pa chiếm khoảng 4,4 triệu lượt khách với tổng doanh thu 15.500 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch giao, tăng 2.793 tỷ đồng so với năm 2023.

Cũng trong năm 2024, Sa Pa đã vào top 10 “Điểm đến thịnh hành nhất thế giới 2024” do nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor bình chọn; Khu du lịch Fansipan tại Sa Pa (Lào Cai) được World Travel Awards vinh danh là Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hàng đầu thế giới 2024.