Triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với chủ đề “Việt Nam – Đi để yêu”
(TITC) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ và Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với chủ đề “Việt Nam – Đi để yêu”.
Du khách quốc tế tham quan Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội
Chương trình được ban hành nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/01/2025 của Chính phủ về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước: Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Liên bang Thụy Sỹ và Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương; nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam năm 2025.
Miễn thị thực cho du khách Ba Lan, Séc, Thụy Sỹ đi theo tour
Việc miễn thị thực nhập cảnh với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh với mục đích du lịch cho công dân Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Liên bang Thụy Sỹ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP thực hiện từ ngày 01/03/2025 đến hết ngày 31/12/2025 để kích cầu phát triển du lịch. Công dân 3 nước nói trên nhập cảnh Việt Nam cần đáp ứng: điều kiện nhập cảnh theo diện miễn thị thực đơn phương theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và du lịch theo chương trình của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, có giấy xác nhận tham gia chương trình du lịch. Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cần gửi đăng ký tham gia tổ chức chương trình du lịch cho công dân 3 nước trên về Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025; tăng cường truyền thông, quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như tổ chức Chương trình giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại thị trường Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ và Tuần Văn hoá – Du lịch Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập ngoại giao với Việt Nam.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có trách nhiệm thông tin rộng rãi đến các đầu mối về Nghị quyết 11/NQ-CP và Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 trên website, kênh thông tin đại chúng và mạng xã hội. Gửi thông báo tới các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (qua Sở quản lý du lịch) đăng ký tham gia đón khách du lịch theo Nghị quyết 11/NQ-CP.
Triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2025
Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với nhiều hoạt động, sự kiện, nội dung phong phú sẽ góp phần hoàn thành chỉ tiêu đạt 22 – 23 triệu lượt khách quốc tế, 120 – 130 triệu lượt khách nội địa trong năm nay; tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu phát triển tăng tốc, bứt phá của Ngành Du lịch phù hợp với lộ trình phát triển của nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 mang đến nhiều ưu đãi về giá cả, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch như: miễn phí vào cửa một số điểm tham quan, khu du lịch, khu di tích; giảm giá các sản phẩm, dịch vụ vận tải khách, lưu trú, ăn uống, giải trí, mua sắm… Thu hút khách du lịch thông qua nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng như: Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; các diễn đàn, hội nghị quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức; các sự kiện văn hóa, thể thao du lịch đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch.
Hợp tác liên kết các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ, tạo ra các gói kích cầu dành cho khách du lịch cũng được đẩy mạnh. Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động xây dựng và bán các gói sản phẩm du lịch liên kết. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm, vật phẩm có lợi thế, độc đáo mang bản sắc riêng có của địa phương làm quà tặng, quà lưu niệm cho khách du lịch.
Để triển khai Chương trình kích cầu thống nhất từ Trung ương đến địa phương, Bộ VHTTDL sẽ công bố, truyền thông và quảng bá Chương trình kích cầu trong Kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2025; triển khai chiến dịch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội và các kênh du lịch trực tuyến. Xây dựng chuyên trang kích cầu du lịch để các địa phương, doanh nghiệp cập nhật sản phẩm, chương trình khuyến mại, ưu đãi dịch vụ, công khai thông tin về chương trình du lịch, điểm đến và các sự kiện du lịch, giúp khách du lịch thuận tiện tra cứu thông tin liên quan đến Chương trình. Tổ chức chương trình xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng nhằm kích cầu du lịch, tăng cường thu hút du khách quốc tế.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở quản lý du lịch, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng Chương trình kích cầu theo các nội dung trên gắn với sản phẩm du lịch đặc sắc và các sự kiện văn hóa, lễ hội tại địa phương. Thông tin rộng rãi để các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tích cực tham gia Chương trình kích cầu. Công bố công khai các nội dung, doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu của địa phương và gửi thông tin về Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để cập nhật trên chuyên trang kích cầu du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch các địa phương xây dựng Chương trình kích cầu du lịch trong hiệp hội; phổ biến, kêu gọi sự tham gia tích cực của hội viên triển khai Chương trình kích cầu và cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp du lịch.
Các đơn vị vận tải khách du lịch tập trung xây dựng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam. Nghiên cứu, lên kế hoạch mở thêm các đường bay thẳng, bay thuê chuyến, tăng tần suất bay kết nối các trung tâm du lịch của Việt Nam với các thị trường gửi khách tiềm năng.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch tích cực tham gia, đăng ký hưởng ứng Chương trình kích cầu; xây dựng và bán các gói sản phẩm ưu đãi, phù hợp với thị trường mục tiêu, đảm bảo chất lượng dịch vụ và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Trung tâm Thông tin du lịch
Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP
(TITC) – Ngày 26/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 760/KH-BVHTTDL về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ.
Khách quốc tế đến Việt Nam (Ảnh minh họa: Báo Thừa Thiên Huế)
Theo đó, nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước: Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Liên bang Thuỵ Sỹ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch thực hiện, qua đó góp phần thu hút khách du lịch quốc tế từ các thị trường Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Liên bang Thuỵ Sỹ đến Việt Nam; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua các chính sách ưu đãi, thủ tục nhập cảnh thuận tiện và giá trị trải nghiệm du lịch độc đáo.
Góp phần thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, hoàn thành chỉ tiêu: khách du lịch quốc tế đạt 22-23 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa đạt 120-130 triệu lượt khách.
Thúc đẩy sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch và các ngành liên quan, nhằm phát triển sản phẩm du lịch đồng bộ và hấp dẫn cho khách du lịch quốc tế.
Đảm bảo triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp hàng không, du lịch…
Theo Kế hoạch này, Bộ VHTTDL giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ chủ trì xây dựng, ban hành và công bố Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025. Trong Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức nhiều hoạt động đáng chú ý như Chương trình giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại thị trường Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ gắn với Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025; Tổ chức Tuần Văn hoá – Du lịch Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập ngoại giao; Truyền thông Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025…
Trung tâm Thông tin du lịch
Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch nội địa
Sáng 21/02, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Cùng chủ trì và tham dự hội nghị tại các điểm cầu có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục đến năm 2045
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại; đồng thời tiếp tục tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương; tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; hoàn thành các mục tiêu Đại hội XIII đề ra, tiếp tục phấn đấu đạt 2 mục tiêu 100 năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị
Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng nền kinh tế Việt Nam trên thế giới.
“Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất với Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Trung ương đã ban hành Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ngày 19/02 và Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các địa phương, Bộ, ngành.
“Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi. Vấn đề là làm thế nào?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, kinh nghiệm quốc tế và công bố mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hơn 30 năm qua, chỉ có 34 nền kinh tế thành công trong thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, còn 108 quốc gia chưa vượt qua được.
Nhìn chung, các nền kinh tế trở thành nước có thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trong khoảng trên dưới 30 năm, như Nhật Bản tăng trưởng trung bình 11,5%/năm giai đoạn 1951-1973, Hàn Quốc đạt 9,6%/năm trong giai đoạn 1963-1996, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%/năm giai đoạn 1978-2011, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,9%/năm từ 1952-1989; Singapore tăng 8,5%/năm từ 1961-1997.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% mỗi năm thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới cần tăng tốc bứt phá mới có thể đạt mục tiêu chiến lược đề ra. Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao, Thủ tướng nêu rõ.
Trong năm 2025, chúng ta phải làm rất nhiều việc, trong đó phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ, ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó.
Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng cao, nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng xanh sạch đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
“Mục tiêu như thế, không làm không được. Do đó, có rất nhiều việc phải làm. Phải quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đầu tư công, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao vươn xa. Tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phải tranh thủ thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành động lực, càng khó khăn, thách thức càng phải nỗ lực hơn”, Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, khai thác các không gian phát triển mới, như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Muốn vậy phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế…
Thủ tướng lưu ý, cần giảm chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) xuống vì hiện nay chỉ số này còn cao, thể hiện hiệu quả đầu tư còn thấp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung cải thiện tỷ lệ này, phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư công vì đây là một trong những động lực tăng trưởng.
Xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhưng cũng có các cơ hội, thời cơ mới từ sự thay đổi của cục diện kinh tế, chính trị thế giới, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư toàn cầu và các xu thế lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh… có thể tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước ta.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị
Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cần tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án.
Xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, dân doanh; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, quy định “luồng xanh” cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai hiệu quả, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào cuộc sống; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các chính sách mới, đột phá đã được Quốc hội cho phép thí điểm về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát, cơ chế quỹ, đầu tư mạo hiểm, quỹ khoa học công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp… để tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó ở cấp nào thì cấp đó chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện.
Tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành.
Xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên.
Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Đăng Nguyên
Cổng TTĐT Bộ VHTTDL – bvhttdl.gov.vn – Đăng ngày 21/02/2025
Đà Nẵng triển khai chương trình kích cầu du lịch: Hàng loạt chương trình hấp dẫn
Sở Du lịch Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình kích cầu thu hút khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng. Đây là động lực để ngành du lịch nỗ lực đạt hơn 11,9 triệu lượt khách theo kế hoạch đề ra trong năm 2025; đồng thời, góp phần thực hiện Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 12/6/2024 của UBND thành phố triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg của Chính phủ ngày 23/02/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Ngọc Hà
Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Đa trải nghiệm
Thành phố triển khai kế hoạch kích cầu du lịch năm 2025 với tên gọi Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Đa trải nghiệm (tên Tiếng Anh: Enjoy Da Nang 2025 – Diverse Experience) dành cho khách du lịch quốc tế và nội địa; khách du lịch quốc tế quay trở lại Đà Nẵng từ năm 2020.
Thời gian triển khai xuyên suốt từ tháng 02 đến tháng 12/2025, trong đó ưu tiên đẩy mạnh quảng bá và kích cầu đến các thị trường vào các ngày lễ, sự kiện lớn của cả nước và thành phố như kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (15/3 đến 15/4/2025), lễ Quốc khánh 02/9 và mùa thấp điểm (30/8 đến 31/10/2025; dịp giáng sinh và năm mới 2026. Kế hoạch kích cầu gồm hai chương trình lớn: Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Đa trải nghiệm”: nhấn mạnh vào sự đổi mới; giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng và Tôi yêu Đà Nẵng – I love Da Nang”: thu hút khách du lịch quay trở lại Đà Nẵng.
Chương trình Tận hưởng Đà Nẵng 2025 – Đa trải nghiệm áp dụng cho tất cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, du khách được miễn phí vé tham quan đối với một số khu, điểm du lịch (Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Khu danh thắng di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn)…
Thành phố khuyến khích tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch: ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, có chính sách ưu đãi đặc biệt; đồng thời, triển khai những gói dịch vụ cụ thể để thu hút khách với các điểm nhấn mới lạ. Cụ thể, combo lưu trú và các điểm tham quan lịch sử với giá chỉ từ 499.000 đồng; combo lưu trú và các dịch vụ về đêm với điểm nhấn khu tổ hợp Da Nang Downtown, du ngoạn sông Hàn, phố đi bộ Bạch Đằng… với giá chỉ từ 499.000 đồng; combo lưu trú và các nhà hàng ẩm thực độc đáo tại Đà Nẵng với giá chỉ từ 499.000 đồng…
Chương trình Tôi yêu Đà Nẵng – I love Da Nang áp dụng cho khách du lịch quốc tế đã từng đến Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến nay và quay trở lại Đà Nẵng. Trong đó, tập trung vào một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN… và khách quốc tế đến Đà Nẵng trên các đường bay mới trong năm 2025.
Dự kiến tặng 10.000 voucher (có giá trị sử dụng đến hết năm 2025); giảm trực tiếp 20-30% giá vé tham quan các khu điểm nổi tiếng của Đà Nẵng; bốc thăm may mắn nhận voucher giảm giá 50-100%, miễn phí phòng khách sạn tại Đà Nẵng, miễn phí trải nghiệm chương trình tour du lịch Đà Nẵng…
Nhiều hoạt động thu hút khách tại công viên suối khoáng nóng Thần Tài. Ảnh: Ngọc Hà
Tạo động lực phát triển du lịch
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố, cho rằng Đà Nẵng là một địa phương đi đầu trong cả nước triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu cho du khách trong và ngoài nước. Các chương trình kích cầu du lịch được triển khai thường xuyên, liên tục qua nhiều năm và giữ được sức nóng, tạo ra cú hích về mặt sản phẩm vừa làm mới, vừa tăng trải nghiệm, giá trị cho du khách; đồng thời đây là hình mẫu trong hợp tác hiệu quả, thành công giữa cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Điểm mới của chương trình kích cầu du lịch năm nay của thành phố là tập trung vào 3 giai đoạn thấp điểm của nguồn khách trong nước, đồng thời xác định nguồn khách rõ ràng cho từng đợt xúc tiến. Ví dụ, giai đoạn từ ngày 15/3 đến 15/4 tập trung vào nguồn khách thị trường miền Trung – Tây Nguyên; từ ngày 30/8 đến 30/9 tập trung nguồn khách cả nước và tháng 12 tập trung nguồn khách nước ngoài…
Đồng hành với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch thành phố sẽ kêu gọi các các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia sâu vào các gói kích cầu; hình thành các gói sản phẩm nổi bật, tạo sức hút cao đối với du khách để phục vụ hoạt động xúc tiến cao điểm; xác định các thị trường khách, thời điểm, hoạt động xúc tiến truyền thông, quảng bá mạnh mẽ đến thị trường trong và ngoài nước; chủ động thành lập nhóm bán hàng ở Đà Nẵng và các địa phương để nhanh chóng đưa sản phẩm kích cầu đến tay người tiêu dùng thông qua nền tảng truyền thống và kênh thương mại điện tử.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch, Sở chủ trì tổ chức triển khai chương trình kích cầu thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng năm 2025. Trong đó, tổ chức giới thiệu các sản phẩm du lịch mới đặc sắc của Đà Nẵng và truyền thông điểm đến trong năm 2025; chủ trì, phối hợp Hiệp hội Du lịch, UBND quận, huyện, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan vận động các doanh nghiệp dịch vụ du lịch (khách sạn, lữ hành, vận chuyển, khu điểm du lịch…) tham gia chương trình…
Sở Du lịch tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về chương trình trên các kênh quốc tế, nội địa phù hợp với từng thị trường; truyền thông qua các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ, đặc biệt hướng đến thị phần khách lẻ; truyền thông qua kênh của các địa phương, đơn vị đã ký kết hợp tác với Đà Nẵng. Đồng thời, mời những người nổi tiếng (KOL), tổ chức các đoàn famtrip, presstrip đến Đà Nẵng trải nghiệm, quảng bá cho các chiến dịch. Chương trình kích cầu, du lịch Đà Nẵng 2025 huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch; hình thành nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, thu hút khách tốt…
Với chương trình này, ngành du lịch kỳ vọng đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2025 với lượng khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 11,9 triệu lượt (tăng 10% so với năm 2024); doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu đạt hơn 36.000 tỷ đồng (tăng hơn 16% so với năm 2024).
Ngọc Hà
Báo Đà Nẵng Online – baodanang.vn – Ngày 13/02/2025