Khai mạc sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2025 – Get on Ha Noi 2025”

(TITC) – Tối 4/3, tại Cụm di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng, Hà Nội,  Sở Du lịch Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2025 – Get on Hanoi 2025” và công bố Quyết định công nhận điểm du lịch Cụm di tích Quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng trong dịp Kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và công bố Quyết định ghi danh “Lễ hội Đền Hai Bà Trưng vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia”.

Đại biểu tham dự sự kiện (Ảnh: TITC)

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu dự sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2025 – Get on Hanoi 2025” là sự kiện hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với chủ đề “Việt Nam – Đi để yêu” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động và là hoạt động khởi đầu trong chuỗi trên 60 sự kiện, lễ hội, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sôi động, hấp dẫn. Đây là dịp để ngành du lịch Thủ đô tiếp tục truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội ngày càng nhiều hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch Việt Nam và sự phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô; hướng đến hoàn thành mục tiêu đón 31 triệu lượt khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội trong năm 2025, tăng 11,2% so với năm 2024, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 130 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5 % so với năm 2024.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại sự kiện (Ảnh: TITC)

“Cụm di tích Quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng có tài nguyên văn hóa vô cùng đặc sắc, hấp dẫn, đặc biệt là giá trị về lịch sử và kiến trúc, tiêu biểu đền, chùa, đình trong văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam. Đến nay, cụm di tích đã bước đầu thu hút được du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu nhất nhất là vào dịp lễ hội đầu xuân. Lễ công bố Quyết định công nhận điểm du lịch ngày hôm nay sẽ tạo bước tiến, động lực mới trong hành trình xây dựng, phát triển Cụm di tích Quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng thành “Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu của Thủ đô. Chúng tôi tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo của các Lãnh đạo Quận Hai Bà Trưng, các đơn vị doanh nghiệp du lịch và nỗ lực cố gắng của điểm đến, trong thời gian tới Cụm di tích Hai Bà Trưng sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu tham dự sự kiện (Ảnh: TITC)

Trong Chương trình, Sở Du lịch Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng công bố Quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận Cụm di tích Quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng là điểm du lịch. Đây là cụm di tích quốc gia có giá trị cao, còn nguyên vẹn về lịch sử, văn hóa, và kiến trúc tiêu biểu đền, chùa, đình trong văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.

Công bố Quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận Cụm di tích Quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng là điểm du lịch (Ảnh: TITC)

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, Quận Hai Bà Trưng tự hào là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có nhiều di tích quan trọng như đền Hai Bà Trưng cùng dấu tích của các cửa ô như ô Cầu Dền và ô Đống Mác… Trải qua 64 năm hình thành và phát triển, Quận Hai Bà Trưng là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, góp phần làm nên bản sắc của Thủ đô Hà Nội nói chung, quận Hai Bà Trưng nói riêng. Toàn Quận hiện có 51 di tích lịch sử văn hóa và 21 di tích cách mạng kháng chiến, có di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, trong đó có Di tích Quốc gia đặc biệt Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng. Hiện nay, Quận đã xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm, triển khai các dự án để thúc đẩy phát triển du lịch như Khu vực đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận, Công viên vườn hoa hồ Thiền Quang, cụm di tích Quang Hoa – Pháp Hoa – Thiền Quang… tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến với Thủ đô và địa bàn quận.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung phát biểu tại sự kiện (Ảnh:TITC)

Với chủ đề “Get on Hanoi 2025 – Dấu son linh thiêng”, chương trình khai mạc là một hành trình trở về với cội nguồn, cảm nhận dòng chảy lịch sử, lắng nghe câu chuyện can trường của một dân tộc anh hùng. Trong không gian linh thiêng này, lịch sử không chỉ được kể lại qua những câu chuyện mà còn được sống dậy trong từng chi tiết kiến trúc, từng nghi lễ và từng hoạt động văn hóa tâm linh của Hà Nội.

Tâm điểm của chương trình là tiết mục điểm nhấn “Hùng Thiêng Trưng Vương” tái hiện lại một dấu son lịch sử oai hùng về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bằng công nghệ màn led, công nghệ trình chiếu ánh sáng và đồng diễn nghệ thuật, đưa khán giả bước vào hành trình khám phá lịch sử chân thực và hào hùng nhất từ xa xưa. Bên cạnh đó chương trình nghệ thuật với 3 chương đặc sắc: Chương 1: Mạch nguồn linh thiêng; Chương 2: Hội tụ bản sắc; Chương 3: Hà Nội của tương lai. Mỗi chương là một khúc ca, một bước đi trong hành trình khám phá và tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội, của dân tộc Việt Nam

Đại biểu thực hiện nghi thức kích hoạt “Du lịch Hà Nội 2025 và công nhận Quyết định công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng” (Ảnh: TITC)

Đại biểu chụp hình lưu niệm (Ảnh: TITC)

Tham gia chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2025”, người dân và du khách còn được tìm hiểu không gian trưng bày sản phẩm du lịch, văn hóa, ẩm thực, trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống, trải nghiệm trò chơi dân gian, tham quan chụp hình với các tiểu cảnh trang trí… mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm trọn vẹn tinh hoa của Hà Nội.

Toàn cảnh sự kiện (Ảnh: TITC)

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Get on Hanoi 2025 – Dấu son linh thiêng”

Trung tâm Thông tin du lịch

Bộ VHTTDL chính thức ban hành Chương trình kích cầu du lịch trong năm 2025 với chủ đề Việt Nam – Đi để yêu

(TITC) – Ngày 28/02/2025, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã ký Quyết định số 444/QĐ-BVHTTDL ban hành Chương trình kích cầu du lịch trong năm 2025 với chủ đề “Việt Nam – Đi để yêu”.

Ảnh: Bãi biển Phú Quốc

Chương trình nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước: Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Liên bang Thụy Sỹ.

Chương trình nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120-130 triệu lượt khách nội địa tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương; tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu phát triển tăng tốc, bứt phá của ngành Du lịch phù hợp với lộ trình phát triển của nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch thông qua các chương trình du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng.

Đón chờ nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các khu du lịch, điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh miễn, giảm phí tham quan cho khách du lịch theo quy định pháp luật. Các sản phẩm dịch vụ như: vận tải khách du lịch, lưu trú, ăn uống, giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe được ưu đãi lên tới 50% tùy theo từng hạng mục dịch vụ và điều kiện áp dụng, do các doanh nghiệp du lịch, vận tải và nhà cung cấp dịch vụ công bố theo quy định. Tổ chức các chương trình du lịch phong phú, đa dạng, sự kiện khuyến mại các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của địa phương nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nhiều hoạt động, sự kiện sôi nổi thu hút khách

Tổ chức các hoạt động, sự kiện nổi bật để thu hút khách du lịch nhân dịp các sự kiện trọng đại của đất nước như Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; diễn đàn, hội nghị quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức như Diễn đàn Tương lai ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030, Hội nghị Bộ trưởng Cơ quan Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển; Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025, Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025, Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh 2025, các sự kiện văn hóa, thể thao du lịch đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch. Tổ chức các chương trình tọa đàm phát triển sản phẩm, khảo sát điểm đến, sản phẩm dịch vụ mới, riêng có tại các địa phương dành cho các hãng lữ hành và báo chí.

Các gói sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú

Tăng cường liên kết các điểm đến, sản phẩm dịch vụ tạo ra các gói kích cầu dành cho khách du lịch. Theo đó, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động xây dựng và bán các gói sản phẩm du lịch liên kết bao gồm: Gói sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, gắn với thế mạnh về di sản vật thể và phi vật thể của từng địa phương;  Gói sản phẩm du lịch ẩm thực; khai thác tinh hoa văn hóa ẩm thực địa phương, vùng miền; Gói sản phẩm du lịch golf, gắn với các chương trình tham quan di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tại điểm đến; Gói sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch cộng đồng; Các gói sản phẩm du lịch khác, hoặc có sự liên kết 2 hoặc nhiều điểm đến trong một chương trình dành cho khách du lịch, đảm bảo phát triển được các sản phẩm du lịch mới, đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ;

Bên cạnh đó cần khuyến khích sản xuất các sản phẩm, vật phẩm có lợi thế, độc đáo mang bản sắc riêng của địa phương (như sản phẩm OCOP) làm quà tặng, quà lưu niệm cho khách du lịch. Liên kết các địa phương, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch từ vận chuyển, mua sắm, ẩm thực, tham quan, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, hội nghị, hội thảo, thể thao, sự kiện để tạo ra các gói kích cầu hấp dẫn khách du lịch; thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch.

Tăng cường liên kết, phối hợp triển khai hiệu quả chương trình kích cầu

Để triển khai Chương trình kích cầu thống nhất từ Trung ương đến địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức công bố, truyền thông và quảng bá Chương trình kích cầu trong Kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2025; triển khai chiến dịch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, YouTube, TikTok) và các kênh du lịch trực tuyến; hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng quốc tế nhằm quảng bá về các sản phẩm du lịch đặc sắc tại Việt Nam.

Xây dựng chuyên trang kích cầu du lịch để các địa phương, doanh nghiệp cập nhật các sản phẩm, chương trình khuyến mại, ưu đãi dịch vụ, công khai thông tin về chương trình du lịch, điểm đến và các sự kiện du lịch, giúp khách du lịch thuận tiện tra cứu thông tin liên quan đến Chương trình kích cầu.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng nhằm kích cầu du lịch, tăng cường thu hút du khách quốc tế. Chủ động làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình kích cầu. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình kích cầu tại các địa phương và điều chỉnh Chương trình kích cầu phù hợp với thực tiễn triển khai.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở quản lý du lịch, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng Chương trình kích cầu theo các nội dung trên gắn với các gói sản phẩm du lịch đặc sắc và các sự kiện văn hóa, lễ hội tại địa phương. Thông tin rộng rãi để các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tích cực tham gia Chương trình kích cầu. Công bố công khai các nội dung, doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu của địa phương và gửi thông tin về Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để cập nhật trên chuyên trang kích cầu du lịch. Đảm bảo sự tham gia tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú, lữ hành, vận tải, điểm đến du lịch tại địa phương trong việc xây dựng các gói khuyến mại kích cầu du lịch với giá ưu đãi, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch, áp dụng linh hoạt theo từng giai đoạn hoặc trong khung thời gian diễn ra các sự kiện du lịch, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích khách tham quan. Triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, đảm bảo an ninh an toàn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch; thường xuyên hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết và bán đúng giá niêm yết đối với sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương có trách nhiệm xây dựng Chương trình kích cầu du lịch trong hiệp hội; phổ biến, kêu gọi sự tham gia tích cực của hội viên triển khai Chương trình kích cầu và cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp du lịch.

Các đơn vị vận tải khách du lịch xây dựng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam bao gồm gói giá ưu đãi, giảm giá vé hoặc các chương  trình khuyến mại riêng cho các đoàn khách tham gia chương trình. Nghiên cứu, lên kế hoạch mở thêm các đường bay thẳng, bay thuê chuyến, tăng tần suất bay kết nối các trung tâm du lịch của Việt Nam với các thị trường gửi khách tiềm năng.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch đăng ký hưởng ứng Chương trình kích cầu; xây dựng và bán các gói sản phẩm ưu đãi theo Chương trình kích cầu, phù hợp với thị trường mục tiêu, đảm bảo chất lượng dịch vụ và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Chủ động phối hợp với các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, điểm tham quan, cơ sở dịch vụ du lịch để đưa ra các gói ưu đãi cho khách du lịch quốc tế. Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đăng ký tham gia Chương trình kích cầu qua Sở quản lý du lịch địa phương; ưu tiên triển khai các gói ưu đãi, khuyến mại, giảm giá vé tham quan, giá dịch vụ, tăng cường trải nghiệm cho du khách phù hợp với từng thời kỳ hoặc thời gian diễn ra các sự kiện du lịch.

Bên canh đó, Bộ VHTTDL cũng giao cho một số đơn vị trực thuộc Bộ, căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá… hỗ trợ cho chương trình Kích cầu phát triển du lịch Việt Nam trong năm 2025 hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Trung tâm Thông tin du lịch